Tăng tín dụng cuối năm: Cuộc chạy đua nước rút 

Cập nhật: 11-11-2015 | 06:32:57

Sau nhiều tháng nỗ lực, tăng trưởng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh tính đến hết tháng 10 đạt 12,9% (mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2015 là 12 - 14%). Tuy vậy, các TCTD vẫn lo nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh chưa tăng như kỳ vọng.

 Nhu cầu vốn chưa tăng mạnh

Thực tế những năm qua cho thấy, nhu cầu vốn của danh nghiệp (DN) sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm. Tuy vậy, theo phản ánh của một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh, tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng còn lại của năm vẫn đang là cuộc chạy đua nước rút. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Bình Dương cho biết, dù dư nợ cho vay 10 tháng qua đạt mức tăng trưởng 95% so với đầu năm, nhưng mức tăng trưởng chưa tạo được sự đột biến sau những nỗ lực thực hiện giảm lãi suất huy động và cho vay như vừa qua. Hiện lãi suất vay trung dài hạn chỉ còn dưới 9%/ năm, ngắn hạn 8,5%/năm và thậm chí lãi vay còn được điều chỉnh giảm thêm tùy mức độ uy tín, dòng tiền của khách hàng, nhưng 5% chỉ tiêu tín dụng là con số thử thách cho BIDV Chi nhánh Bình Dương trong thời gian còn lại của năm 2015.

Ngân hàng cùng doanh nghiệp cần bàn bạc xử lý những khó khăn, vướng mắc để tăng giải ngân trong 2 tháng còn lại của năm. Trong ảnh: Tư vấn vay vốn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển nhà TP.Hồ Chí Minh (HDBank) Chi nhánh Bình Dương. Ảnh: THANH HỒNG

Cùng mối lo này, ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Bình Dương cho biết, có thể nhu cầu vốn của DN sẽ được cải thiện trong những ngày tới. Tuy nhiên, để kỳ vọng tín dụng tăng trưởng 800 tỷ đồng trong 2 tháng còn lại là không dễ. “10 tháng qua, tăng trưởng dư nợ của ngân hàng đạt khoảng 90% nhưng đa phần là khách hàng cũ. Để mở rộng thị phần, tăng dư nợ thêm 10% trước tình hình hiện nay không dễ dàng, bởi vì nhu cầu DN vay vào mùa kinh doanh chưa có dấu hiệu tăng mạnh”, ông Quang nói.

Số liệu thống kê trong tháng 9-2015 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Bình Dương cho thấy, bên cạnh những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng dương từ 3,8 - 8,3%, có ngân hàng tăng đến 19,9% so với tháng 8 nhưng đến thời điểm giữa tháng 10 vẫn có khá nhiều ngân hàng không tránh khỏi âm tăng trưởng tín dụng như Vietcombank Chi nhánh Nam Bình Dương, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á Chi nhánh Bình Dương...

Kỳ vọng cuối năm

Lãnh đạo một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho biết, khả năng tăng dư nợ tín dụng sẽ được cải thiện tốt hơn trong những tháng cuối năm. Tuy vậy, thông tin từ các ngân hàng cũng cho biết, quy luật này không còn được giữ vững trong 2 năm gần đây, khi nhu cầu vốn của DN không tăng cao như kỳ vọng. Mặc dù lãi suất đã được điều chỉnh giảm nhiều so với trước và đồng vốn ngân hàng khá dồi dào, song do tính thời vụ, sức mua thị trường yếu, xuất khẩu gặp khó khăn về thị trường và giá… khiến DN chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư.

Theo ông Nguyễn Thái Minh Quang, đưa vốn ra thị trường lúc này không dễ. Vì ngoài kiểm soát chất lượng tín dụng của ngân hàng, những khoản vay lớn đều có sự giám sát chặt chẽ của Vietcombank và cơ quan chức năng. Do đó, tìm khách hàng khỏe mạnh về tài chính, có dự án kinh doanh tốt ngân hàng sẽ cho vay. Mặc khác, chi nhánh ngân hàng cũng đang chạy hết công suất để đạt tốc độ tăng dư nợ tín dụng khoảng 8.600 tỷ trong năm 2015.

Một trong những nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng chưa có bước đột phá, theo đánh giá của NHNN Chi nhánh Bình Dương, là do các ngân hàng sợ nợ xấu nên khá thận trọng trong việc cho vay. Hiện nay, các ngân hàng đang chú trọng tập trung nâng cao chất lượng tín dụng nên điều kiện cho vay khắt khe hơn trước khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chưa đạt kỳ vọng. Tuy vậy, tín dụng tăng 12,9% trong 10 tháng qua là kết quả phù hợp, là cơ sở để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2015. Ông Nguyễn Phú Cường, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Bình Dương nói, để hoàn thành mục tiêu này, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ DN thông qua việc triển khai tốt chính sách cho vay, chính sách khách hàng của ngân hàng; đồng thời chủ động tiếp cận với khách hàng, đặc biệt là khách hàng tiềm năng để rà soát, đánh giá các khoản nợ, cùng DN bàn bạc, xử lý những khó khăn, vướng mắc...

THANH HỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên