Doanh nghiệp nhỏ và vừa trước làn sóng mua bán, liên doanh

Cập nhật: 11-11-2015 | 06:27:30

 Các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa của tỉnh Bình Dương đang đứng trước thách thức trước động thái mua bán, liên doanh từ các đối tác nước ngoài. Làn sóng này đã tạo ra những suy nghĩ trái chiều trong cộng đồng DN. Bán hay không bán, hợp tác liên doanh hay tự thân vận động đang làm nhiều DN trăn trở.

 Khi DN bỏ “cuộc chơi”

Những doanh nhân trong giới sản xuất, kinh doanh hàng thực phẩm đang bàn tán về phi vụ Công ty Thực phẩm M.Đ (TX.Dĩ An) được bán lại cho một đối tác từ Đài Loan (Trung Quốc). Giới kinh doanh trong nghề không lạ gì với tên tuổi nữ doanh nhân M.T. Khởi nghiệp từ việc sản xuất cá viên, bò viên hộ gia đình, trong vòng 7 năm, nữ doanh nhân này đưa Công ty M.Đ thành tên tuổi trong làng cung cấp thực phẩm đông lạnh của cả nước.

Thương vụ này đem lại cho bà M.T 5 triệu USD. Người thì nói bà M.T đã bán DN của mình với giá hời, giờ bà M.T có thể “vui thú điền viên” với con cháu. Nhưng cũng có người bày tỏ sự tiếc nuối, bởi thương hiệu M.Đ đã tạo ra một thị trường rộng lớn tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long.

Các chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới sẽ có làn sóng “thu mua” DN tại Bình Dương, nơi hiện có gần 22.000 DN đang hoạt động. Trong ảnh: Hoạt động tại một DN may mặc xuất khẩu ở Bình Dương. Ảnh: XUÂN THI

Cách đây không lâu, một doanh nhân khá nổi tiếng trong dòng sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho nam giới cũng bán DN của mình cho một tập đoàn lớn của Ấn Độ. Thương vụ mua bán này có giá trị hàng chục triệu USD. Điều kỳ lạ là doanh nhân này lại trở thành CEO cho chính đối tác đã mua lại DN của mình.

Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia cho rằng việc mua bán DN là chuyện bình thường khi Việt Nam hội nhập với thế giới. Thập niên 90 của thế kỷ trước khi làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam, công việc đầu tiên của họ chính là tìm mua lại những DN có tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường. Công tác “thu mua” này sẽ giúp cho họ đỡ mất thời gian khi không phải đầu tư từ đầu: xin giấy phép, xây dựng nhà máy, kho xưởng, tuyển nhân lực… Trên cơ sở hạ tầng có sẵn và cả tên tuổi được khẳng định “quen mặt đắt hàng” sẽ giúp các DN đầu tư nước ngoài dễ dàng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Các chuyên gia còn dự đoán, khi Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết thì làn sóng tìm kiếm “thu mua” DN sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa. DN vừa và nhỏ ngoài áp lực cạnh tranh, còn đứng trước thử thách trước lời “chào mua”. Theo các chuyên gia, trước mắt những món hời rất “béo bổ” nhưng về lâu dài sẽ làm suy yếu dần lực lượng DN nhỏ và vừa, vốn đang chật vật để tồn tại.

Cần sự tiếp sức của Nhà nước

Lãnh đạo một DN gỗ tại TX.Thuận An cho biết, có đối tác từ Malaysia đã đề nghị đầu tư vốn hàng chục triệu USD để cùng nhau hợp tác mở rộng thị trường. DN này đang rất băn khoăn, bởi số vốn đầu tư này lớn hơn cả số vốn hiện có của công ty. Về lâu dài, chủ DN có nhiều khả năng “đứng ngoài cuộc chơi”, khi cổ phần mình lép vế trước đối phương hợp tác.

Sự lo ngại của DN này không phải là thừa bởi thời gian qua, nhiều tên tuổi, thương hiệu Việt hàng đầu cũng “chết bất đắc kỳ tử” qua hình thức liên doanh và hợp tác. Rõ ràng, các DN, nhất là DN nhỏ và vừa hơn lúc nào hết đang cần sự hỗ trợ, tiếp sức từ các chính sách của Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhìn nhận, nhiều quốc gia có chiến lược hỗ trợ DN khi đầu tư ra thị trường nước ngoài. Vì thế, khi họ vào thị trường Việt Nam sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh nhất định. Trong điều kiện đó, DN nhỏ và vừa tại Bình Dương cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.

Các DN nhỏ và vừa muốn tồn tại không thể không tính tới bài toán liên kết giữa những DN cùng ngành, hay chuỗi cung ứng liên quan; đồng thời tận dụng mọi ưu đãi vốn vay tại địa phương, kể cả những quỹ hỗ trợ DN từ nguồn nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ cho vay vốn ưu đãi khởi nghiệp, tái đầu tư.

Theo các chuyên gia, liên doanh, hợp tác là việc rất cần thiết bởi đây là xu thế chung thời hội nhập. Việc nên làm của các DN là cần tìm hiểu kỹ lịch sử kinh doanh của đối tác, tỉnh táo trong mọi tình huống chào mời hợp tác liên doanh. Đối với các DN nhỏ và vừa, đừng suy nghĩ bán DN này là có thể dễ dàng lập DN khác, bởi cái mà nhà đầu tư muốn mua không phải là nhà máy, kho xưởng hay nhân công lao động, mà họ muốn thâu tóm thương hiệu của mỗi DN.

Lập DN thì dễ nhưng để tạo được tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường nó đòi hỏi mỗi DN phấn đấu không ngừng trong hàng chục năm. Thực tế đã chứng mình, không có doanh nhân nào thành công khi sản xuất, kinh doanh mà liên tục thay đổi và thành lập DN mới.

* Để chủ động hội nhập, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các DN cần tích cực tham gia các lớp đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ hội nhập để biết được những cơ hội và thách thức đối với DN trong hội nhập. Mặt khác, DN cần nắm vững những yêu cầu cao hơn về mẫu mã, bao bì, đóng gói, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, trách nhiệm xã hội… Những yêu cầu này rất cao và rất khắc nghiệt, nếu không đáp ứng được thì không thể mở rộng xuất khẩu.

* Ông Javier Ayala, Giám đốc Điều hành Quỹ Thách thức DN Việt Nam (VBCF) cho rằng, cần nâng cao tầm quan trọng của sự hợp tác giữa DN và tổ chức phi chính phủ trong việc phát triển mô hình kinh doanh cùng người có thu nhập thấp. Theo đó, tổ chức phi chính phủ, ví dụ như VBCF/IBA tại Việt Nam, đóng vai trò là bên cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để giúp các DN, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa chuyển tải thành công ý tưởng thành mô hình kinh doanh. Ông cũng chia sẻ, một số mô hình kinh doanh cùng người có thu nhập thấp đã thành công tại Việt Nam nhờ sự hỗ trợ từ phía VBCF.

 

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên