Thêm một mùa khai thác mủ cao su bội thu

Cập nhật: 12-01-2012 | 00:00:00

Một năm nữa lại trôi qua, có thể khẳng định, năm 2011 là năm thắng lợi của những người trồng cao su (CS) tiểu điền.

Được giá

Hiện nay, giá mua mủ CS tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang duy trì ở mức từ 550 - 570 đồng/độ. Đây được xem là mức giá chấp nhận được với người trồng CS vì với mức giá này người dân đã có lời. Giá mua mủ CS ở giai đoạn đầu và giữa mùa cạo 2011 đã liên tiếp “xô đổ” các kỷ lục. Giai đoạn đỉnh điểm giá mua đạt mức gần 1.000 đồng/độ và duy trì trong một thời gian khá dài. Mức giá này đã làm cho người trồng CS rất vui mừng vì đem lại nguồn thu nhập cao cho họ. Tuy giá thu mua mủ có giảm trong giai đoạn cuối mùa cạo và cũng đã khiến cho nhiều người lo lắng khi đà tụt giảm khá nhanh nhưng với giá hiện nay thì cũng có thể xem năm 2011 là một năm vui vẻ nữa của người trồng CS.

 Giá mua mủ ổn định đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người trồng cao su

Theo thống kê hiện nay trên địa bàn Bình Dương có hơn 130.000 ha CS, trong đó CS tiểu điền chiếm 84.000 ha và diện tích cho khai thác là gần 66.000 ha. Năng suất bình quân của vườn cây CS là từ 1,5 - 1,7 tấn/ha; giá trung bình 27.000 - 29.000 đồng/kg mủ nước, tăng 42 - 45% so với cùng kỳ năm 2010. Diện tích cây CS tăng là do  cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nông dân chuyển đổi từ đất trồng điều và một ít diện tích cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng CS. Ngoài ra diện tích tăng còn do nông dân tận dụng trồng trên các vùng đất thấp, đất ruộng.

Với giá mua mủ trung bình duy trì ở mức ổn định như trên, với 1 ha CS, chủ vườn có thể thu về gần 100 triệu đồng một năm. Đây là mức thu cao nếu so sánh với các loại cây trồng lâu năm khác. Nguồn thu nhập cao từ cây CS đã tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Qua đó, góp phần vào việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Điều này rất dễ nhận ra tại các địa bàn trồng nhiều CS như: Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên khi mà xen giữa những vườn CS xanh mát là những ngôi nhà mới xây khang trang với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Anh Đức - người trồng CS ngụ tại xã Hội Nghĩa, huyện Tân Uyên chia sẻ: “Tết này, gia đình tôi chắc chắn sẽ mua sắm mạnh tay hơn so với tết vừa rồi. Mua sắm nhiều để động viên vợ con sang năm tiếp tục lao động chăm chỉ để có được nguồn thu nhập cao như năm vừa qua. Tôi cũng mong muốn sang năm giá mua mủ CS tiếp tục ổn định để người trồng CS có thêm nguồn thu nhập để chăm lo cho cuộc sống gia đình”.

Được mùa

Một yếu tố nữa cũng tác động tích cực đến nguồn thu nhập ổn định cho người trồng CS trong thời gian qua chính là thời tiết. Thời tiết thuận lợi, mưa thuận, gió hòa, ít giông bão đã tạo điều kiện cho diện tích CS trên địa bàn tỉnh sinh trưởng tốt và cho sản lượng mủ ổn định. Thời tiết thuận lợi cũng đã hạn chế rất nhiều sự phát sinh của các loại dịch bệnh. Điều này đã góp phần làm giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật cho người trồng CS, qua đó giúp họ nâng cao thu nhập.

Căn bệnh nguy hiểm Corynespora trên cây CS xảy ra trong năm 2010 thì đến năm 2011 đã được khống chế tốt, qua đó giúp cho các vườn cây CS tiểu điền tiếp tục phát triển ổn định. Ông Nguyễn Phong Huy - Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Dương cho biết, hiện nay diện tích CS nhiễm bệnh Corynespora trên địa bàn tỉnh còn rất ít. Có được điều này chính là nhờ sự chủ động của các cơ quan hữu quan cũng như sự cảnh giác của người dân với loại bệnh nguy hiểm này. Ngay từ đầu năm, chi cục đã chỉ đạo cho các trạm bảo vệ thực vật huyện, thị thường xuyên tổ chức tập huấn các biện pháp phòng trừ cho nông dân. Vì vậy, bệnh đã được khống chế, diện tích bệnh giảm gần 3.000 ha so với năm 2010 và tỷ lệ bệnh thấp từ 3 - 5%. Những kinh nghiệm “xương máu” trong đối phó với loại bệnh này trong năm 2010 đã được người dân phát huy hiệu quả trong mùa cạo 2011. Người trồng CS đã tìm hiểu nhiều thông tin về loại bệnh này và đã tìm ra các phương pháp phòng trừ phù hợp cho vườn cây gia đình. Chính sự chủ động của người trồng CS đã góp phần hạn chế rất nhiều các loại bệnh xuất hiện trên cây CS trong thời gian qua như: phấn trắng, nấm hồng, khô miệng cạo... Việc áp dụng các biện pháp tổng hợp ngay từ đầu năm trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh của người dân đã phát huy hiệu quả tốt. Qua đó làm tăng sức đề kháng của vườn cây và giúp cho sản lượng mủ duy trì ở mức ổn định.

Nhiều người trồng CS hy vọng năm 2012 giá mua mủ CS tiếp tục duy trì ở mức ổn định để họ tiếp tục cải thiện nguồn thu nhập. Còn hiện tại, người trồng CS Bình Dương đang lên các kế hoạch mua sắm tết để chuẩn bị cho một cái tết ấm cúng, đầy đủ.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=252
Quay lên trên