Thiếu container rỗng, bài toán khó!

Cập nhật: 25-12-2020 | 08:14:11

 Cuối năm là thời điểm doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Tuy nhiên, hầu hết các ngành hàng xuất khẩu Việt Nam đang gặp khó khăn chung là thiếu container rỗng để đóng hàng và giá cước vận chuyển đường biển tăng một cách đột biến. Đáng nói hơn, tình trạng thiếu container rỗng diễn ra liên tục kể từ đầu tháng 9-2020 đến nay đang gây thiệt hại lớn, buộc DN phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và từ chối đơn hàng mới. 

Tại Bình Dương, theo phản ánh của DN thuộc ngành gỗ, giày da, không chỉ gặp tình trạng khan hiếm container mà giá thuê vỏ container còn tăng gấp ba so với thời điểm trước. Nhiều DN chia sẻ, chưa bao giờ tình trạng thiếu container rỗng nghiêm trọng như lúc này. Các DN phải giành giật nhau để có container đóng hàng xuất khẩu giữa lúc các hãng tàu nâng cước vận chuyển liên tục.

Thêm vào đó, giá cước có thể thay đổi theo từng ngày, thậm chí có thể tăng gấp đôi chỉ trong một tuần mà vẫn không có container rỗng để đóng hàng. Điều đó tất yếu dẫn đến việc hiện nay có rất nhiều đối tác đặt hàng song DN không dám ký vì lo không giao kịp tiến độ, dẫn tới không bảo đảm theo hợp đồng. Theo dữ liệu thương mại của Liên hợp quốc, khoảng 60% hàng hóa toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, đóng trong các container, với tổng số khoảng 180 triệu vỏ container trên toàn thế giới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thời gian quay vòng trung bình của một container đã vọt lên 100 ngày, so với mức 60 ngày trước đây.

Tình trạng này đã dẫn tới việc thiếu container rỗng đóng hàng xuất khẩu ở trên toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa. Các công ty dịch vụ logistics cũng tích cực hỗ trợ DN bằng cách liên hệ các hãng tàu khác nhưng tình trạng thiếu container hiện nay không phải của một hàng tàu, một tuyến vận tải mà là vấn đề của tất cả các hãng tàu lớn nhỏ, ở mọi tuyến hàng hải nên DN cũng chỉ biết ngồi chờ. Khó khăn là thế song hầu hết các hãng tàu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đường biển đều của nước ngoài nên các DN cũng không biết kêu ai!

MY PHAN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên