Thiếu máu do thiếu sắt - đừng chủ quan

Cập nhật: 15-11-2010 | 00:00:00

Thiếu máu do thiếu sắt (TMDTS) hay còn gọi là thiếu máu dinh dưỡng là tình trạng hay gặp ở trẻ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. TMDTS làm cho trẻ chậm lớn, khả năng đề kháng với bệnh tật kém, vì vậy dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn... Còn với những trẻ lớn thì TMDTS sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, sức học giảm... Tuy nhiên, TMDTS chưa được nhiều phụ huynh quan tâm.

  Cha mẹ cần quan tâm để phát hiện sớm bệnh TMDTS cho trẻ

Mới 4 tháng tuổi mà cu Bill thường xuyên bị bệnh, da dẻ không được hồng hào như những đứa trẻ khác. Sót ruột, chị Mai chở cu Bill đi bác sĩ khám. Qua xét nghiệm máu, bác sĩ kết luận cu Bill bị TMDTS nên sức đề kháng kém; cần phải được bổ sung thực phẩm giàu chất sắt. Chị Mai thắc mắc: “Cu Bill mới 4 tháng tuổi sao lại bị TMDTS”.

Giải đáp thắc mắc này, bác sĩ Văn Thành Hoàng Phượng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo cho biết, TMDTS xảy ra khi hàm lượng Hemoglobin xuống thấp hơn giới hạn bình thường (trẻ 6 tháng - 6 tuổi < 11 g/dl máu). Trong năm đầu tiên của cuộc đời, trẻ tăng trưởng rất nhanh, do đó lượng sắt cần nhiều hơn. Sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt duy nhất cho đứa trẻ. Sắt trong sữa mẹ tuy ít nhưng tỷ lệ hấp thu cao. Vì vậy, nếu trẻ không được bú mẹ đầy đủ sẽ bị TMDTS.

Sắt cần cho quá trình tăng trưởng của các mô và tăng khối lượng hồng cầu. Nhu cầu sắt cho trẻ cao hơn so với người trưởng thành, trong khi đó lượng thức ăn cho trẻ lại ít hơn. Thức ăn bổ sung cho trẻ thường là bột gạo, là loại thức ăn nghèo sắt và chất sắt trong gạo rất khó hấp thu. Nhiều trẻ cho ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) quá sớm; thức ăn bổ sung lại nghèo dinh dưỡng cũng dẫn đến TMDTS. Một số trẻ bị tiêu chảy kéo dài, nhiễm ký sinh trùng đường ruột (nhiễm giun đũa, giun móc...), mắc các bệnh nhiễm trùng thường xuyên cũng gây TMDTS... Đó là những nguyên nhân chính khiến đứa trẻ bị TMDTS. 

Ngoài ra, những đứa trẻ uống sữa bò trước 12 tháng tuổi cũng dễ dẫn tới TMDTS. Nguyên nhân là do sữa bò làm giảm khả năng hấp thu chất sắt và có thể kích thích đường ruột, gây xuất huyết nhẹ ở đường ruột. Sự mất máu chậm và dần dần, kết hợp với giảm chất sắt đưa vào cơ thể dẫn đến TMDTS.

Theo bác sĩ Phượng, dấu hiệu để biết đứa trẻ bị TMDTS là da trẻ sẽ xanh, môi nhợt, lòng bàn tay trắng hoặc hồng nhợt, cơ bắp tay, bắp chân nhão, bụng nhão to, chậm biết bò, ngồi, đứng, đi. Trẻ thường kém hoạt bát, chơi mau mệt, tim đập nhanh, dễ cáo kỉnh, ăn uống ít hơn trước đây, hay bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Trẻ lớn có thêm mệt mỏi, dễ buồn ngủ, chóng mặt, hoa mắt, ít tập trung, sức học giảm sút... Đặc biệt, thiếu sắt có thể dẫn tới hấp thu chì dễ dàng hơn, làm tăng nguy cơ ngộ độc chì ở trẻ, đặc biệt ở những trẻ sống trong những căn nhà cũ kỹ, nhà bán bình ắc-quy... Sự kết hợp của TMDTS và ngộ độc chì có thể làm trẻ bệnh thiếu máu và các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc khác nặng lên.

Bác sĩ Phượng khuyên, khi trẻ được chẩn đoán mắc bệnh TMDTS, cha mẹ phải theo hướng dẫn của bác sĩ để điều trị bệnh tốt cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm giàu chất sắt như: huyết, gan, trứng, thịt, cá, sữa, các loại rau củ, các loại trái cây, đặc biệt là các loại trái cây giàu Vitamine C như cam, quít, bưởi... để tăng hấp thu chất sắt. Đối với trẻ em nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn trong 4 - 6 tháng đầu và cho bú kéo dài từ 18 - 24 tháng. Bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi trẻ được 5 - 6 tháng tuổi, cho ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo, rau củ). Cho trẻ dùng sữa bột dành cho trẻ em nhưng không thường xuyên; đừng cho trẻ dưới 1 tuổi uống sữa này liên tục mà không có ý kiến của bác sĩ khoa nhi. Tăng cường giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ như: sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt; giữ vệ sinh trong ăn uống như thực hiện ăn chín uống sôi, rửa rau kỹ, đậy kín thức ăn sau khi nấu chín; rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi tiêu, không đi chân đất... để phòng nhiễm giun, sán. Xổ giun định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần cho trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên. Điều trị các bệnh thường gặp ở trẻ như suy dinh dưỡng, tiêu chảy, viêm phổi, viêm tai giữa...

Trẻ em thường khó uống thuốc, để giúp cho trẻ uống thuốc dễ dàng hơn bằng cách trộn thuốc với nước ép táo hoặc nước cam. Và nhớ tẩy sạch răng cho trẻ sau mỗi lần dùng thuốc để ngăn làm đổi màu men răng.

Trẻ bị TMDTS da xanh xao, chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng yếu... Vì vậy, các bậc cha mẹ cần quan tâm để phòng và phát hiện sớm bệnh TMDTS cho trẻ.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=291
Quay lên trên