Thông thương đường Bắc - Nam

Cập nhật: 07-11-2012 | 00:00:00

Kỳ 1: Những người con đi mở đường

Kỳ 2: Quyết tâm mở thông đường

Kỳ cuối: Thông thương đường Bắc – Nam

Các đội công tác mở đường Bắc - Nam đã đem ánh sáng cách mạng rọi vào. Buôn làng vùng các dân tộc Nam Tây nguyên đã hiểu phải tự đứng lên giữ lấy núi rừng, đất địa ngàn năm của ông cha. Và để được sống làm người chỉ có con đường đi theo cách mạng mới làm nên sự nghiệp đó. Sự nghiệp cách mạng của đồng bào các dân tộc Nam Tây nguyên đã bắt đầu. Đó là bước đột phá của quá trình tồn tại con đường huyền thoại và cũng là bước đột phá cho con đường giải phóng Nam Tây nguyên.

Đường dài Bắc - Nam nối liền

Đội 2 (B4) do đồng chí Ama Thu làm đội trưởng, đồng chí Phùng Đình Ấm làm đội phó và là bí thư chi bộ của đội cùng các chiến sĩ đã vượt muôn trùng khó khăn để xây dựng một vùng rộng hơn 7 buôn làng rồi chuyển bàn đạp mới tiếp tục mở mảng xây dựng buôn làng cách mạng tiến vào phía tây bắc huyện Kiến Đức.    Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (hàng đầu) chụp ảnh lưu niệm với một số cán bộ Đoàn B90 và Đoàn C200

Ở phía Nam, Khu ủy miền Đông cử đồng chí Lâm Quốc Đăng, Phó Ban quân sự miền Đông phụ trách xây dựng Đoàn C300 đi mở đường. Đoàn xuất phát từ suối Đá còn gọi là suối Vên Vên (chiến khu Đ) nay thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Theo mệnh lệnh, trên đường đi đoàn mở đường không được liên lạc với dân. Nhờ Lâm Quốc Đăng là phó chỉ huy quân sự miền Đông nên dễ liên hệ với bộ đội tổ chức đánh sở cao su Phú Riềng, mở kho lấy lương thực, thực phẩm chủ yếu là gạo, muối. Đoàn 300 nhận một phần chiến lợi phẩm chuyển về kho Phước Sang lập kho dự trữ phục vụ công tác mở đường, đoàn soi đường đến rừng Đak Nhau. Thấy điều kiện thuận lợi xa địch, gần dân, suối mùa khô không cạn, rẫy nương dân vừa bỏ có thể tranh thủ sản xuất. Do vậy Lâm Quốc Đăng cho lập trạm đầu tiên. Một tiểu đội được bố trí làm nhiệm vụ trở lại Phước Sang chuyển gạo về Đak Nhau dự trữ, đồng thời mở rẫy, trồng mì để đón đoàn miền Bắc. Ra đi chưa đến nhưng chắc nịch chuẩn bị đón đoàn về.

Từ Đak Nhau đoàn mở đường được lấy phiên hiệu là Đoàn C270 do Ban cán sự Đảng Phước Long chỉ đạo. Thế nhưng đoàn vẫn phải giữ bí mật - không được tiếp xúc với dân, cắt đường rừng, không đi đường mòn dân đi. Đi dài ngày lương thực cạn kiệt, mùa khô, nắng gay gắt, cao nguyên cằn cỗi, suối nước cạn kiệt, có hôm phải nhịn khát cả ngày lần theo suối cạn đến 21 giờ đêm mới gặp được một vũng nước, anh em khát quá cứ nhào vào vốc uống, dùng nước nấu cơm ăn và cơm vắt cho ngày mai. Đêm không mấy ai ngủ được, bởi tiếng rừng rào rào cây cối xao động, ở vũng nước, lúc đầu còn triển khai chiến đấu nhưng biết chẳng phải địch chỉ nghe tiếng thú rừng, nghe tiếng động rừng triền miên. Đội 2 (B4) chờ mãi đến tháng 9-1960 cấp trên mới điện cho biết Đoàn C270 đã đến nam sông Đakrung, xin gặp đoàn phía Bắc ở địa điểm bàu nước rộng 2 mẫu có nhiều khúc lồ ô chặt gác lên nhau. Nhưng rồi Đoàn C270 gặp địch, một tiểu đoàn Mỹ ngụy lùng sục 2 bên đánh nhau nhưng nhờ “rừng che bộ đội” nên đoàn vừa chiến đấu vừa rút an toàn.

Đoàn C270 điện hẹn gặp nhau vào 20 giờ ngày 4-11-1960 tại trụ cây số 4 đường Đak Song- Gia Nghĩa. Thế là 18 giờ Đội 2- Phùng Đình Ấm đã đến điểm hẹn vừa đặt xong ám hiệu, thì một chiếc xe Jeep của địch đi từ Đaksong lên đậu ngay trước nơi đặt ám hiệu. Tưởng bị lộ, hồi hộp, sợ nguy hiểm cho đoàn phía Nam và phá vỡ kế hoạch hẹn gặp nhau. Nhưng may mắn, chúng dừng xe chỉ để sửa chữa hỏng hóc rồi lại chạy, cả đội qua cơn hồi hộp.

Thế rồi trong ánh trăng mới nhú ngày 16-10 âm lịch (4-11- 1960) mờ, tỏ 2 đoàn đã gặp nhau cùng ra mặt đường, xúc động mừng rỡ, người Nam kẻ Bắc ôm nhau, như đường dài Nam - Bắc được nối liền quyện chặt nhau.

Trăm tuyến ra vào

Đường Hồ Chí Minh được khai thông thế nhưng để xây dựng thành đường hành lang chiến lược đoạn cuối dãy Trường Sơn thực tế là mới mở đầu: “Vạn sự khởi đầu nan” - Một con đường nhưng phải đi “trăm nẻo” để bảo đảm an toàn. Cuộc vận động trong quần chúng vùng Nam Tây nguyên và Đông Nam bộ được chú trọng, khi đường thông thương là lúc các dân tộc Tây nguyên đã đứng lên, ngọn lửa cách mạng đã soi sáng lòng dân. Đường đi qua người người đều biết, nhà nhà đều hay và kẻ thù cũng biết, chúng ra sức đánh phá ác liệt, chặn đường ngăn lối nhưng chẳng làm được gì bởi con đường thực tế đã mở ra trăm nhánh, lòng dân đã thành một bức tường che chắn bảo đảm an toàn cho hành lang thông suốt cả chiều dài vào Nam ra Bắc trong chiến tranh. Con đường từ Bắc nối vào đường hành lang của Đắc Lắc qua SreBoc đã phân thành 2 nhánh, 1 nhánh đi về căn cứ Tỉnh ủy Đắc Lắc, 1 nhánh về căn cứ Nam Nung.

Trên đường hành lang từ Bắc vào Nam đều tổ chức hệ thống trạm giao liên nối liên tiếp nhau. Trạm có lực lượng bảo vệ, đội vận tải, tại 1 trạm có 2 tốp giao liên đón và đưa khách, chuyển bưu kiện. Sáng, 1 tốp đi ra, 1 tốp đi vào. Tốp đi vào của trạm đưa khách miền Bắc vào Nam. Thường thường gần đến trưa mới đến điểm hẹn - gặp tốp giao liên trạm trong ra. Gặp nhau, khách nghỉ chân, ăn uống, giao liên 2 trạm bàn giao số lượng khách và những bưu kiện cần chuyển. Sau đó 2 trạm đều đón khách mới về để ngày mai lại làm nhiệm vụ đưa khách đi vào, đưa khách đi ra. Cứ như thế, trạm giao liên nối tiếp chuyển dịch kéo dài từ Bắc vào Nam, trên núi rừng hàng ngàn cây số.

Thời gian chưa mở được đường, Nam Tây nguyên - Đông Nam bộ hàng hóa miền Bắc chi viện cho miền Nam còn ứ đọng ở Đắc Lắc cả ngàn tấn. Để bảo đảm việc vận chuyển gấp rút kịp thời, cấp trên bố trí mỗi trạm thêm 20 người. Nhờ vậy số hàng thiết yếu như thiết bị lập Đài Phát thanh Giải phóng, thiết bị y tế, thuốc men, vũ khí chiến đấu được chuyển sớm vào chiến trường.

Tiếp nối những chiến sĩ gian khổ và hy sinh mở đường, người chiến sĩ giao liên trên đường hành lang như con thoi dệt nên một dải băng chuyền từ Bắc vào Nam và về miền cực Nam Trung bộ. Khách của đường hành lang, từ Bắc vào chi viện cho miền Nam, mỗi ngày đi bộ trên đường giao liên Trường Sơn nối liền giữa 2 trạm có ngày sẽ đến nơi, nhận nhiệm vụ mới. Người chiến sĩ giao liên cũng đi bộ trên đường Trường Sơn hết năm này tháng khác. Thời kỳ đầu, khách và hàng hóa vào đi trên đường Đ1 nhưng đường xa phải qua nhiều trạm hơn nên dần dần chuyển sang đi đường Đ2. Đầu năm 1964, Đ1 chuyển thành đường hành lang nội bộ của tỉnh Đắc Lắc, Đức Trọng, Di Linh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa.

Chiến trường miền Nam đòi hỏi ngày càng nhiều vũ khí đủ sức phục vụ các binh đoàn mới xây dựng. Sư đoàn 9, Sư đoàn 5, Sư đoàn 7 được thành lập ngay trên đất miền Đông Nam bộ. Đường hành lang Đ2 không thể đảm nhận được toàn bộ, chỉ còn đưa đón những đoàn khách quan trọng - bảo đảm an toàn tuyệt đối. Phải mở đường hành lang mới dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, để đi bằng nhiều phương tiện: ôtô, xe thồ, xe bò, voi tải. Đường Đ3 nối Đông Nam bộ đến cực Nam Trung bộ cùng vươn tới biên giới Việt Nam - Campuchia để nhận hàng chi viện từ miền Bắc vào. Người đi tải phần lớn là những nam nữ khỏe mạnh, tuổi 18 đôi mươi đã làm nên những kỳ tích anh hùng, đem đến cho cực Nam Trung bộ những chiến thắng lẫy lững như chiến thắng Sông Mao.

Khu 10 được thành lập tháng 10-1966 đã đảm nhận phần an toàn tuyệt đối cho kho bãi được rải dày trên địa phận. Từ kho Xanh bên kia biên giới qua sông DakHuyt hàng hóa chiến lược được đưa về Bù Gia Mập, bắc Bù Đốp và bắc Lộc Ninh dự trữ. Đồng bào dân tộc S'tiêng đã chung sức phục vụ và bảo vệ kho tàng.

Ngày 7-4-1972 Bù Đốp, Lộc Ninh được giải phóng. Đường Hồ Chí Minh gồm: đường bộ, đường ôtô, đường ống dẫn xăng dầu và đường dây điện thoại nối từ Trung ương về đến Lộc Ninh-thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đường huyền thoại, vào đến Lộc Ninh ta thường gọi là đoạn cuối đường mòn Hồ Chí Minh. Thực tế là nơi hội tụ rồi phân bổ đi khắp các chiến trường miền Nam - đường còn kéo dài khắp nẻo. Góp phần làm nên chiến thắng vinh quang “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giành lại độc lập và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

NGUYỄN HUỲNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=384
Quay lên trên