Thu hút đầu tư FDI: Gia tăng dự án thiên về công nghệ cao

Cập nhật: 08-01-2013 | 00:00:00

Gia tăng các dự án công nghệ cao

 Trong 2,6 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào tỉnh năm qua, có đến hơn 1,3 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất, tập trung vào các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao, khả năng cạnh tranh lớn và ít chịu ảnh hưởng từ tác động của tình hình suy thoái kinh tế thế giới. Đơn cử là các dự án mới của Công ty TNHH Meiwa với số vốn đầu tư 6 triệu USD, chuyên sản xuất máy cắm chip, máy công cụ, rô-bốt công nghiệp, linh kiện xe hơi; dự án nhà máy sản xuất các loại tấm film ghép tổng hợp của Tập đoàn Dai Nippon Printing với số vốn đầu tư 35 triệu USD…    Sản xuất bản mạch điện tử xuất khẩu ở Công ty TNHH Matsumura Electronics Industry (Việt Nam)

Bên cạnh các dự án đầu tư mới, nhiều công ty sản xuất các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao cũng rầm rộ tăng vốn để mở rộng sản xuất, như Công ty TNHH Nitto Denko tăng 24,5 triệu USD vốn đầu tư, để sản xuất mạch in dẻo, vật liệu điện tử chính xác; Công ty TNHH II-VI Việt Nam tăng gần 16 triệu USD vốn đầu tư để tăng năng lực sản xuất kính hồng ngoại, các đơn vị điện nhiệt tháo rời và các cụm chi tiết cho các thiết bị điện nhiệt; Công ty TNHH Seebest tăng 14,7 triệu USD vốn đầu tư để sản xuất phụ tùng động cơ diesel, linh kiện chính xác trong lĩnh vực nha khoa và các lĩnh vực khác; Công ty TNHH Aiphone Communications tăng 3,8 triệu USD vốn đầu tư để sản xuất bo mạch dùng trong thiết bị truyền thông; Công ty TNHH Uchihashi tăng 4,1 triệu USD vốn đầu tư để sản xuất các thiết bị cảm ứng…

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong tổng số 2.117 dự án FDI với tổng vốn 17,3 tỷ USD đã đầu tư vào Bình Dương, lĩnh vực công nghiệp chiếm 92,7% tổng số dự án và chiếm 71,6% về vốn đầu tư đăng ký. Các dự án FDI đã đem đến một “luồng sinh khí mới” về công nghệ hiện đại và phương thức quản lý tiên tiến, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. Bên cạnh đó, hơn 80% dự án đầu tư mới đều chọn đầu tư vào các KCN. Điều này là hoàn toàn phù hợp với chủ trương và định hướng quy hoạch, phát triển công nghiệp của tỉnh.

Nổi bật trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao năm qua là Công ty TNHH Sài Gòn Stec (100% vốn Nhật Bản), tọa lạc tại KCN VSIP II, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bản mạch điện tử camera đã tăng thêm 175 triệu USD vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trước đó, công ty này đã hoạt động ổn định với số vốn đầu tư 340 triệu USD. Nói về vấn đề tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất trong bối cảnh hiện nay, ông Hidetake Senoo, Tổng Giám đốc công ty này cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu tuy gặp khó khăn, nhưng sản phẩm của công ty chúng tôi vẫn tiêu thụ rất tốt. Do vậy, chúng tôi tăng vốn đầu tư để tăng thêm năng lực sản xuất ra 225 triệu sản phẩm/năm nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng”. Tương tự, Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics (100% vốn Nhật Bản), tọa lạc tại KCN VSIP I, cũng bổ sung thêm 150 triệu USD để tăng năng lực sản xuất camera module, sản xuất các loại vi mạch tích hợp dung lượng cao, sản xuất các loại bo mạch điện tử dùng cho thiết bị mạng thế hệ mới để phục vụ khách hàng.

Hiệu quả từ các dự án công nghệ cao

Nguồn vốn FDI “chảy” vào các lĩnh vực sản xuất có hàm lượng công nghệ cao là rất quan trọng, bởi hầu hết các DN này sử dụng lao động ít nhưng tạo ra giá trị cao, từ đó làm gia tăng giá trị xuất khẩu. Đây còn là điều kiện để Việt Nam tiến tới phát triển mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ. Minh chứng rõ nét cho các hiệu quả nói trên có Công ty TNHH Matsumura Electronics Industry (Việt Nam), thuộc Công ty Matsumura, nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất bản mạch điều khiển và bản mạch điện tử của Nhật Bản, vừa đưa vào hoạt động nhà máy tại KCN Mỹ Phước 3. Mặc dù nhà máy được xây dựng trên diện tích 1,5 ha với số vốn đầu tư là 6,5 triệu USD, nhưng chỉ sử dụng mấy chục công nhân và hàng năm xuất khẩu bản mạch điều khiển với giá trị hàng chục triệu USD sang thị trường Nhật Bản và các nước Asia.

Cũng tại KCN Mỹ Phước 3, Công ty TNHH DJV (Hàn Quốc) chuyên sản xuất màn hình tinh thể lỏng led, phụ tùng ô tô nhằm cung cấp cho các tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy số lượng công nhân không nhiều (khoảng 65 công nhân kỹ thuật), nhưng theo đại diện Công ty TNHH DJV thì xuất khẩu hàng năm của DJV đạt trên 12 triệu USD hay như Nhà máy sản xuất các loại linh kiện điện tử (con chip IC) của Công ty TNHH Việt Nam Seibi Semiconductor (Nhật Bản), đóng tại KCN VSIP II, có tổng vốn đầu tư 10,6 triệu USD. Khi mới đi vào hoạt động, nhà máy này chỉ sử dụng hơn 50 lao động lành nghề, nhưng đạt sản lượng 10 triệu sản phẩm/ tháng, hàng năm xuất khẩu đạt giá trị hàng chục triệu USD.

Thực tế thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao là mong muốn chung của nhiều địa phương, tuy nhiên không phải nơi nào cũng làm được. Tại Bình Dương, thời gian qua nguồn FDI “chảy” mạnh vào các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao là kết quả của một quá trình với những giải pháp căn cơ, như: Ưu tiên phát triển công nghiệp bền vững, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao; tăng cường xúc tiến đầu tư và mời gọi các tập đoàn lớn sản xuất sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, khả năng cạnh tranh lớn; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho các nhà đầu tư; chú trọng nâng cao nguồn nhân lực phục vụ cho công nghệ cao phát triển… Từ những giải pháp căn cơ đó mới có kết quả như hôm nay. “Buôn có bạn, bán có phường” và đây chính là tiền đề tốt để Bình Dương thu hút ngày càng nhiều các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao trong thời gian tới.

 Xuất khẩu năm 2013 thiên về sản phẩm công nghệ cao

 Mặc dù tăng trưởng chậm hơn so với mức tăng 34,2% của năm 2011, nhưng xuất khẩu của cả nước năm 2012 vẫn còn tăng mạnh và đạt mức 18,3%. Sụt giảm xuất khẩu đáng kể là ở các mặt hàng dệt may, quần áo và giày dép do nhu cầu ở thị trường thuộc khối đồng tiền chung châu Âu kém. Tuy nhiên, nhờ vào hoạt động sản xuất của các dự án FDI mới, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như bo mạch và sản phẩm điện tử đã thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này tăng mạnh, nên tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn duy trì đà tăng. Nhận định xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong những năm 2013, trong đó Bình Dương là một trong những địa phương có đóng góp quan trọng cho đà tăng xuất khẩu của cả nước.

T.MINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=387
Quay lên trên