Tiến bước dưới cờ Đảng quang vinh

Cập nhật: 28-01-2019 | 19:18:00

Bài 2: Mốc son chói lọi

Ở tuổi 15, với khoảng 5.000 đảng viên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân tộc làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, đánh đổ phát xít Nhật, bè lũ tay sai và ách thống trị phong kiến; lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, Đảng ta đã đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Theo Đại tá Hồ Văn Nam, vũ khí chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám 1945 còn rất thô sơ, nhận thức về lối đánh, cách đánh còn hạn chế nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân Thủ Dầu Một đã vùng lên giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Ảnh: Q.CHIẾN

 Sục sôi khí thế cách mạng

Chúng tôi tìm gặp Đại tá Hồ Văn Nam, nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương) vào một chiều cuối năm. Khác hẳn những lần trước, lần này xen lẫn với đất trời giao hòa nhộn nhịp ngày cuối năm, còn có cả niềm vui mừng Đảng thêm tuổi mới, tuổi 89. Với ông và cũng như mọi người con dân đất Việt, mỗi mùa xuân đến là có thêm niềm vui mới vì Đảng đã mang đến mùa xuân. Câu chuyện của ông được bắt đầu bằng việc nhìn nhận thắng lợi đầu tiên từ khi thành lập Đảng. Đại tá Hồ Văn Nam không phải là một nhà nghiên cứu lịch sử, nhưng những đánh giá của ông chính là đúc kết thực tế mà ông đã kinh qua.

Đại tá Hồ Văn Nam cho biết, 89 năm đã qua nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Trong bối cảnh chung của cả nước, ở tỉnh Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương, trải qua 15 năm chiến đấu đầy hy sinh gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, bất chấp sự khủng bố, tàn sát của kẻ thù, những người cộng sản trên vùng đất Thủ Dầu Một đã bám chắc trong quần chúng, kiên trì vận động và lãnh đạo quần chúng, công nhân, nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số nổi dậy đấu tranh, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách Mạng Tháng Tám. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước. Đảng ta từ một Đảng không hợp pháp trở thành lãnh đạo chính quyền. Nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến, trở thành nước độc lập và dân chủ.

Nhớ lại thời khắc lịch sử năm ấy, đêm 9-3-1945, cuộc xung đột vũ trang giữa Nhật và Pháp đã nổ ra. Lúc 8 giờ, cả 10 vạn lính Nhật ở Đông Dương đã bất ngờ tấn công vào bộ máy chính quyền Pháp. Chưa đầy 2 giờ sau, phần lớn lực lượng vũ trang của Pháp đã bị tiêu diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Ở Thủ Dầu Một chỉ có một đồn 200 lính tại thành Săn Đá do tên quan tư Pháp chỉ huy, nổ súng lẻ tẻ chống cự yếu ớt. Sau đó, tất cả người Pháp ở Thủ Dầu Một đều bị bắt tập trung về Sài Gòn, tên quan tư Pháp thất thế phải tự tử.

Dự đoán được tình hình, trong ngày 9-3, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng tại làng Đình Bảng, cách Hà Nội 16km để bàn biện pháp đối phó với tình hình khi cuộc đảo chính xảy ra. Hội nghị chủ trương nêu khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật” và phát động cao trào chống Nhật, cứu nước mạnh mẽ, gấp rút tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nơi nào có điều kiện thì phát triển chiến tranh du kích, giành chính quyền ở địa phương. Để cụ thể hóa những nhận định và nghị quyết của hội nghị, ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị lịch sử: “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản chỉ thị này có tác dụng chỉ đạo rất kịp thời và phát huy tinh thần độc lập, sáng tạo của các Đảng bộ địa phương trong cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Bia lưu niệm “Giành chính quyền thắng lợi” ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: Q.CHIẾN

Tại Thủ Dầu Một, bộ mặt phát xít Nhật và bè lũ bù nhìn càng phơi bày trắng trợn trước đồng bào. Đó là chính sách thu thóc và tăng thuế nặng hơn trước, chính sách đàn áp cách mạng, khủng bố nhân dân để cứu vãn số phận của chúng. Cụ thể, hàng trăm người yêu nước từ các làng, đồn điền cao su, nhà máy bị tống giam vào khám đường, đầy lên căng Bà Rá... Nhiều dân nghèo đi kiếm ăn gần kho dự trữ lương thực, thực phẩm bị chúng nghi ngờ bắt đem chặt 5 ngón tay hoặc bị chôn sống nửa thân người tại sân banh Lai Khê (Bến Cát). Họ còn bị bắn chết tại kho quân cụ ở rừng Cò My (Lái Thiêu)... Nhân dân ngày càng căm thù phát xít Nhật đến tột độ.

Trong bối cảnh đó, từ tháng 3 đến tháng 5-1945, Tỉnh ủy chỉ đạo chuyển phong trào lập nhóm Cứu quốc lên Hội Cứu quốc trong nông dân, công nhân, phụ nữ, thanh niên ở nhiều làng, thị trấn trên địa bàn; đồng thời tổ chức khoảng 300 cuộc đấu tranh chống đi đào hầm, chống nộp thuế... Đặc biệt, trong tháng 5-1945, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một thực hiện chủ trương của Xứ ủy về việc thành lập Thanh niên Tiền phong. Đến đầu tháng 7-1945, ở Thủ Dầu Một khí thế cách mạng đã phát triển rất sôi nổi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc ở các huyện, thị, lực lượng Thanh niên Tiền phong và quần chúng nhân dân đã sẵn sàng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Và thời khắc lịch sử đã đến. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: “Giờ quyết định vận mệnh cho dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta” thì tình thế cách mạng ở Thủ Dầu Một đã chín muồi. Rạng sáng ngày 25-8-1945, cuộc biểu dương lực lượng của gần 5 vạn quần chúng nhân dân kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít tinh, giành chính quyền. Rừng cờ vàng sao đỏ (cờ của lực lượng Thanh niên Tiền phong lúc bấy giờ) và cờ đỏ sao vàng bay rợp trời 2 phố chợ, mọi người hô vang khẩu hiệu: Chính quyền về tay Việt Minh, Việt Nam độc lập muôn năm, đả đảo chính quyền Nguyễn Văn Sâm… 5 vạn đồng bào, cùng lực lượng bán vũ trang hợp thành sức mạnh tổng hợp của cuộc tổng khởi nghĩa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 đã mở ra trang sử mới cho đất nước, dân tộc và nhân dân trong tỉnh; đồng thời tạo tiền đề quan trọng để nhân dân ta bước vào giai đoạn cách mạng mới - kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sáng ngời lý tưởng cách mạng

Đại tá Hồ Văn Nam sinh ra và lớn lên ở xã Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Ông trưởng thành trong thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ. Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945, ông đã gia nhập lực lượng Thanh niên Tiền phong ở Thủ Dầu Một. Ngày 25-8-1945, ông cũng tham gia lực lượng xuống đường cướp chính quyền, giải phóng Thủ Dầu Một.

Vài tháng sau Cách Mạng Tháng Tám, ông được điều về địa phương, rồi tham gia làm liên lạc ở xã. Tuy nhiên, với bản lĩnh của một thanh niên muốn cống hiến, ông đăng ký tham gia bộ đội. Đến năm 1947, ông chính thức nhập ngũ. Ở đơn vị, ông được ông Hồ Văn Đìa, một đảng viên tuyên truyền về Đảng và sau đó được kết nạp Đảng. Đại tá Hồ Văn Nam, nói: “Khi tham gia vào các phong trào cách mạng, tôi đã từng bước thấm nhuần lý tưởng cao đẹp của Đảng cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng. Tôi nhận thức rằng, mình đi đánh giặc để giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, vậy là mình đang đi theo Đảng rồi đó. Từ lúc ấy, tôi hoạt động tích cực hơn, không chỉ lo đánh giặc, tôi còn nhiệt tình dạy anh em học chữ, giúp đỡ anh em tận tình. Trong ngày đất nước thoát khỏi cảnh lầm than, người dân thoát khỏi cảnh áp bức “một cổ hai tròng”, tôi tự hứa với bản thân mình: “Sẽ làm tất cả những gì mà Đảng yêu cầu. Sẵn sàng hy sinh tính mạng để giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước và dân tộc theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Giờ đây, đã qua tuổi 90, Đại tá Hồ Văn Nam luôn cảm thấy mãn nguyện với những gì ông đã cống hiến. Đại tá Hồ Văn Nam tự hào nói: “Cả cuộc đời tôi cống hiến cho cách mạng. Qua biết bao bom rơi đạn lạc, qua biết bao trận chiến sinh tử, tôi tự hào rằng dù mình không giỏi hơn ai, nhưng vì lý tưởng của Đảng, tôi đã cống hiến hết mình, luôn biết học hỏi, phấn đấu để hoàn thành sứ mệnh mà Đảng đã giao phó...” (còn tiếp)

THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=970
Quay lên trên