Tìm giải pháp hạn chế các vụ án giết người và cố ý gây thương tích 

Cập nhật: 07-11-2016 | 09:47:25

Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (Ban chỉ đạo 138) tỉnh vừa tổ chức hội thảo khoa học công tác phòng, chống tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội. Hội thảo đã thu hút nhiều tham luận, công trình nghiên cứu của các chuyên gia nhằm “mổ xẻ” nguyên nhân, đồng thời tìm ra giải pháp để chủ động hạn chế, phòng ngừa các vụ án giết người, cố ý gây thương tích như thời gian vừa qua.

Lực lượng chức năng đang bảo vệ hiện trường vụ một nạn nhân bị giết và vứt xác bên lề đường. Cơ quan điều tra xác định nguyên nhân xảy ra án mạng là do nạn nhân nhân mâu thuẫn với bạn nhậu và bị bạn nhậu sát hại  

Hội thảo đã có 33 công trình nghiên cứu, báo cáo tham luận của đại diện các cơ quan chức năng, đoàn thể xã hội trong và ngoài tỉnh tập trung phân tích, làm rõ các nguyên nhân dẫn đến các vụ án.

Án giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn ngày càng diễn biến phức tạp

Đại tá, thạc sĩ Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo 138 tỉnh cho biết, trong giai đoạn từ tháng 11-2013 đến tháng 9-2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3.290 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, trong đó có 672/681 vụ giết người và cố ý gây thương tích, làm chết 127 người, bị thương 676 người. Cơ quan điều tra đã làm rõ 651 vụ, bắt và khởi tố, điều tra 1.036 đối tượng gây án. Các vụ án giết người, cố ý gây thương tích do mâu thuẫn nhất thời trong nhân dân, tình ái ghen tuông, mâu thuẫn khi tham gia giao thông, trong sinh hoạt, cờ bạc, nợ nần... về tính chất ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Theo đại tá Trần Văn Chính, nguyên nhân xảy ra các vụ việc do công tác phòng ngừa tuy đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng nhìn chung vẫn chưa huy động được toàn bộ hệ thống chính trị tham gia nhiệt tình và có trách nhiệm vào công tác phòng chống tội phạm.

Hội thảo đã nêu ra các nguyên nhân cho thấy tình trạng phạm pháp xảy ra có sự xuống cấp một số chuẩn mực đạo đức xã hội, sự rạn nứt nền tảng giá trị ở nhiều gia đình; sự sa sút nhân cách cá nhân, sự biến đổi văn hóa theo hướng tiêu cực, nhất là những biến đổi về văn hóa ứng xử trong quan hệ, giao tiếp hàng ngày giữa con người với con người. Ngoài ra, bên cạnh đó còn có mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và kinh tế thị trường. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, nguyên nhân xảy ra các vụ việc do những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tội phạm, nhất là công tác phòng ngừa xã hội.

Thượng tá Đặng Hữu Phương, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh cho biết, tình hình tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội có diễn biến phức tạp, gây không ít tâm lý bất an cho người dân, bức xúc trong dư luận xã hội.

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo 138 tỉnh cho rằng để hạn chế, ngăn chặn các vụ án do nguyên nhân xã hội, các đoàn thể, ngành chức năng cần chú trọng đến công tác tuyên truyền pháp luật làm sao có hiệu quả, nhất là đội ngũ công nhân lao động, người ở trọ. Ngoài việc can thiệp, xử lý kịp thời các mâu thuẫn dễ phát sinh thành các vụ án của các cơ quan chức năng thì vai trò hòa giải ở cơ sở là rất quan trọng, có thể chủ động ngăn ngừa được các vụ án giết người, cố ý gây thương tích xuất phát do nguyên nhân xã hội.

“Qua thống kế của Phòng PC45 Công an tỉnh, trong 247 vụ án giết người giai đoạn từ 2011 đến hết tháng 9-2016 thì các nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn thù tức và ghen tuông tình ái. Trong đó những vụ án bắt nguồn từ những mâu thuẫn âm ỉ kéo dài xuất phát từ lối sống khác nhau, tranh chấp về đất đai, kinh kế; mâu thuẫn kéo dài nhưng không được giải quyết một cách dứt điểm dẫn đến các xung đột ngày càng tăng đến lúc bùng nổ dẫn đến vụ án giết người”, thượng tá Đặng Hữu Phương nêu tại hội nghị.

Cũng theo thượng tá Phương, mâu thuẫn bộc phát, nhất thời dẫn đến các vụ án giết người cũng chiếm tỷ lệ khá cao mà thủ phạm và cả nạn nhân thường là thanh niên mới lớn, thái độ cư xử thiếu chín chắn, nông nổi và hung hăng. Có khi các vụ án xảy ra chỉ xuất phát từ một vụ va chạm xe trên đường, lời nói khích khi trong người có rượu bia hay chỉ là cách nhìn nhau trong quán cà phê, quán nhậu…

Đồng tình với quan điểm này, trung tá Nguyễn Thành Hiếu, Phó giám thị Trại giam An Phước cho rằng nguyên nhân dẫn đến các vụ án xảy ra do các mâu thuẫn không được giải quyết thông qua việc ứng xử có sự lượng thứ mà bị lối sống ích kỷ chế ngự, dễ xảy ra các hành vi bộc phát dẫn đến xung đột. Từ những giận dữ, thù tức bộc phát không giải quyết được, người ta có thể dẫn đến hành vi giết người, ngay cả đối với người thân của mình. Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng bia rượu, say xỉn, sử dụng các chất ma túy gây ảo giác mạnh, không kiểm soát được bản thân dẫn đến các vụ án đau lòng!

Tìm giải pháp phòng, chống các vụ án do nguyên nhân xã hội

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo 138 tỉnh cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Bình Dương đã kéo theo việc gia tăng người lao động từ nhiều địa phương đến. Chính do tập quán văn hóa, vùng miền đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về tình hình an ninh trật tự. Ông Đặng Minh Hưng cho rằng, mặt trái của kinh tế thị trường, cuộc sống hiện nay khiến các mối quan hệ trong xã hội ngày càng diễn ra phức tạp, kể cả trong quan hệ họ hàng, thân thuộc. Nếu trước đây các mâu thuẫn đều lấy tinh thần “tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn” để giải quyết thì ngày nay chính do cuộc sống, phong tục tập quán, văn hóa vùng miền khác nhau rất dễ phát sinh và đẩy các mâu thuẫn này đi đến những vụ án đau lòng.

Tại hội thảo, ông Đặng Minh Hưng đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của buổi hội thảo, đồng thời mong muốn sau hội thảo, Ban tổ chức cần tổng kết được kết quả của buổi hội thảo để từ đó đúc kết, rút kinh nghiệm thực tiễn nhằm tìm ra giải pháp để góp phần hạn chế các vụ án mạng, vụ án cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội.

Theo chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn, trong thời gian qua các mô hình CLB “Thắp sáng niềm tin”, “Vì tương lai”, “Phòng chống tội phạm”, “Vì bạn bè quanh ta”, đội thanh niên tình nguyện phòng ngừa tội phạm về tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh đã góp phần giáo dục, cảm hóa được 1.500 thanh niên chậm tiến; đồng thời phối hợp với cơ quan công an cảm hóa, giúp đỡ hơn 200 thanh niên tự nguyện đi cai nghiện tại các cơ sở giáo dục; đồng thời giúp các phạm nhân sau khi chấp hành án phạt tù trở về địa phương có cơ hội tìm được việc làm, ổn định cuộc sống, không tái nghiện đã góp phần đáng kể trong việc phòng ngừa liên quan với các hành vi phạm pháp khác….

Phát huy công tác hoà giải ở cơ sở

Tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, giải quyết mâu thuẫn không những bằng biện pháp “cứng” có sự tham gia của các cơ quan chức năng một cách kịp thời, mà bên cạnh đó cần chú trọng giải quyết các mâu thuẫn giữa cá nhân bằng biện pháp “mềm” thông qua việc hòa giải khi mâu thuẫn, tranh chấp… Do đó, để chủ động ngăn ngừa các vụ án giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, đòi hỏi trong mỗi gia đình, khu phố, xóm ấp cần kịp thời phát hiện hòa giải các mâu thuẫn trên cơ sở tình cảm giữa con người với con người, biết yêu thương và quý trọng mạng sống của con người… Có như vậy sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các vụ án giết người, cố ý gây thương do xuất phát từ các nguyên nhân xã hội.

Bà Trần Thị Kim Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, qua phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đã gắn cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cơ quan MTTQ các cấp đã góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm. Theo bà Lan, công tác hòa giải ở cơ sở cần vận dụng một cách khéo léo, hợp lý, hợp tình.

 

 MINH DUY

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=818
Quay lên trên