Ngày 14-1, hai bệnh viện nhi đồng tại TPHCM tiếp nhận khá nhiều trẻ bị nổi rộp các vết đỏ trên da và lưỡi, quầng mắt, sốt cao kéo dài nhưng không tìm ra được nguyên nhân. Các bác sĩ cho rằng trong y văn thế giới đã từng ghi nhận căn bệnh tương tự như trên và gọi là bệnh Kawashaki.
Tại phòng số 301 Khoa Tim mạch BV Nhi đồng 1 TPHCM sáng 14-1, rất đông trẻ đang được điều trị bệnh Kawashaki, 2 - 3 trẻ nằm chung một giường. Hầu hết các bé có biểu hiện bệnh giống nhau và trước đó các bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán bị mắc sốt xuất huyết… Theo các bác sĩ Khoa Tim mạch BV Nhi đồng 1, cách đây 5 năm, mỗi năm có khoảng 20 ca mắc bệnh Kawashaki được đưa đến điều trị. Vậy nhưng chỉ trong năm 2009 đã có hơn 100 ca, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, và hiện đang có xu hướng tăng cao.
Tại BV Nhi đồng 2, số trẻ em mắc bệnh Kawashaki nhập viện trong thời gian gần đây cũng tăng lên. Điển hình nhất là trường hợp bệnh nhi P.T.N (8 tháng tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu). Bé N. nhập viện cũng bị các triệu chứng sốt cao (trên 39 độ C), trên người có nhiều nốt hồng ban, đầu ngón tay sung huyết, lưỡi đỏ như quả dâu tây, hạch cổ, nổi ban đỏ lòng bàn tay, chân…
Theo các chuyên gia y tế, bệnh Kawashaki là căn bệnh nguy hiểm, diễn biến âm thầm, gây viêm mạch máu cấp tính và biến chứng lên tim, mạch. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông và mùa xuân. Tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 0,1% - 1% số ca mắc và phân nửa số tử vong xảy ra trong vòng 2 tháng đầu khởi bệnh.
Theo TS-BS Vũ Minh Phúc, Trưởng khoa Tim mạch BV Nhi đồng 1, bệnh Kawashaki được phát hiện đầu tiên năm 1967 bởi một bác sĩ người Nhật Bản. Đến nay, thế giới vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây ra bệnh để có phương pháp điều trị. Vì thế, các bác sĩ chỉ điều trị dựa vào các triệu chứng của bệnh nhi gặp phải. Nhưng cũng rất khó chẩn đoán chính xác do những biểu hiện lâm sàng na ná bệnh sốt xuất huyết hay viêm phế quản.
Theo SGGP