Việc cần làm ngay

Cập nhật: 07-03-2012 | 00:00:00

Kỳ 1: Diện mạo đô thị hiện đại đang hình thành

Kỳ 2: Mục tiêu lớn, gánh nặng không nhỏ

Dù có được nền tảng ban đầu, nhưng hoàn thành mục tiêu xây dựng đô thị Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại, có bản sắc là một nhiệm vụ khá quan trọng cần có các giải pháp tích cực.  Nhiều tòa nhà, căn hộ hiện đại đang mọc lên tại Trung tâm Thành phố mới Bình Dương

Phấn đấu vì mục tiêu phát triển

Để cụ thể hóa mục tiêu lớn đó, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Chương trình hành động số 19/Ctr-TU. Cụ thể hóa chương trình hành động này, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Kế hoạch 3986/KH-UBND đề ra các giải pháp phát triển đô thị Bình Dương năm 2010-2015. Mục tiêu tổng quát Chương trình hành động số 19/Ctr-TU vừa ban hành, đó là xây dựng Bình Dương trở thành một cực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật và hạ tầng xã hội đạt nền tảng của đô thị loại 1, đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; Phát triển công nghiệp dịch vụ gắn với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung xây dựng đô thị mới phường Hòa Phú thành trung tâm của tỉnh gắn với việc mở rộng nâng cấp, chỉnh trang đô thị TX.TDM, Thuận An, Dĩ An và các đô thị vệ tinh theo hướng văn minh, hiện đại, có bản sắc, thân thiện với môi trường; hình thành các đô thị là trung tâm hành chính huyện mới thành lập Bàu Bàng - Bến Cát và Tân Thành - Tân Uyên. Thu hút đầu tư các đô thị tiềm năng Thạnh Phước - Tân Ba (Tân Uyên), Núi Cậu (Dầu Tiếng); Phát triển nông nghiệp nông thôn theo các tiêu chí nông thôn mới gắn với đô thị hóa theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương; Tiếp tục điều chỉnh quy hoạch đến năm 2015 cơ bản hoàn thành việc lập quy hoạch  chung, tạo chuyển biến về chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch nhằm phát huy vai trò định hướng phát triển đô thị và nông thôn, phát triển kiến trúc phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa lý từng vùng gắn với cảnh quan thiên nhiên; tạo hình ảnh đặc trưng từng đô thị, góp phần giữ gìn, cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường.

Về không gian đô thị, Chương trình hành động số 19 cũng nêu rõ tiếp tục phát triển không gian đô thị Bình Dương theo hướng chùm đô thị tập trung phía Nam và các đô thị vệ tinh tập trung phía Bắc với đô thị TX.TDM là đô thị trung tâm. Hệ thống đô thị Bình Dương liên kết với các đô thị thuộc vùng, TP.HCM và liên kết chặt chẽ với nhau qua hệ thống giao thông được đầu tư hiện đại và đồng bộ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội 2 đô thị Dĩ An và Thuận An. Tiếp tục phát triển đô thị mới kết hợp với chỉnh trang đô thị cũ. Phát triển đô thị mới gắn với khu công nghiệp, chủ yếu là không gian 2 hành lang, trục đại lộ Bình Dương ĐT741 - Sóng Thần theo phương Bắc Nam và vành đai 4 theo phương Đông Tây. Phát triển các đô thị sinh thái kết hợp với du lịch nghỉ dưỡng ven sông Sài Gòn, sông Thị Tính, sông Đồng Nai. Hệ thống trung tâm đô thị được tổ chức đa chức năng, đa trung tâm kết hợp với phát triển theo trục hành lang giao thông. Tiếp tục phát triển các đơn vị hành chính mới, nâng cấp đô thị theo lộ trình quy hoạch các đơn vị hành chính. Đến năm 2015, Bình Dương có 1 thành phố, 5 thị xã, 4 huyện, 49 phường, 11 thị trấn, 51 xã. Phát triển hạ tầng kỹ thuật, tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương, kết nối hạ tầng giao thông cao tốc và trục chính vào hệ thống giao thông vùng TP.HCM, phát triển hệ thống đường trên cao khu vực đô thị phía Nam, từng bước chuẩn hóa về quản lý hệ thống giao thông  theo hướng đô thị.

Mở rộng ngay các tuyến đường đô thị

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Văn Minh, cho biết hiện nay, các đô thị phía Nam phải tập trung nâng cấp, mở rộng các tuyến đường đô thị. Đó là việc cần làm ngay, nếu không thì tương lai sẽ rất khó khăn. Cái khó thực tại là các sở, ngành, địa phương rất ngại thực hiện các dự án giao thông trong đô thị, vì nhiều lý do, khó nhất là giải tỏa đền bù, nhưng khó mấy cũng phải làm. Nếu không chẳng những mục tiêu của đại hội Tỉnh Đảng bộ không hoàn thành mà còn để lại gánh nặng cho con cháu thế hệ mai sau. Cụ thể các TX.TDM, Thuận An, Dĩ An phải khẩn trương kế hoạch nâng cấp, cải tạo xây dựng mới hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, Sở Giao thông - Vận tải tập trung quy hoạch, kết nối đường vành đai 3, quy hoạch cắm mốc các tuyến giao thông công cộng hiện đại nối TP.HCM và thành phố Bình Dương... Những dự án này quyết định rất lớn bộ mặt đô thị tương lai.      Khu đô thị mới phường Hòa Phú đang chạy đua với thời gian

Về hạ tầng xã hội, cần đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế đầu tư về Trung tâm đô thị mới Hòa Phú, hành lang dịch vụ thương mại đại lộ Bình Dương và các trung tâm đô thị Dĩ An - Thuận An - Thủ Dầu Một phát triển các trung tâm bán lẻ, khu mua sắm theo hướng văn minh, hiện đại; đồng thời nâng cấp các chợ truyền thống, tiếp tục phát triển các loại hình dịch vụ nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch sinh thái, du lịch mua sắm; đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành các khu dân cư có hạ tầng đồng bộ, kết nối vào hạ tầng chung của đô thị. Đến năm 2015, hoàn thành cơ bản 70% dự án khu dân cư, khu nhà ở thương mại đã được phê duyệt quy hoạch nhằm góp phần tăng quỹ nhà ở, hạn chế lãng phí đất đai. Khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng các loại hình nhà ở đa dạng hiện đại xây dựng các căn hộ có quy mô trung bình và nhỏ phù hợp với nhu cầu xã hội. Tập trung đầu tư nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, phát triển cơ sở vật chất ngành giáo dục từ đại học, cao đẳng, phổ thông các cấp đến mầm non, nhà trẻ theo hướng chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu các tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao...

Ông Minh cũng cho rằng, đối với hạ tầng xã hội, xây dựng cụm nhà trẻ mẫu giáo liên phường khu vực phía Nam và việc đẩy nhanh hợp tác quốc tế để sắp xếp, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất trang thiết bị các trường dạy nghề và cấp bách được Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất đề xuất. “Có phát triển được hệ thống nhà trẻ mới bảo đảm ổn định lao động, có đầu tư hợp tác quốc tế mới nâng cao được tay nghề. Chúng ta phải nhìn nhận trình độ công nghệ, tay nghề cả thầy lẫn thợ chúng ta hoàn toàn thua kém trình độ thầy, thợ những quốc gia phát triển, chúng ta cần phải hợp tác để tranh thủ trình độ công nghệ, tay nghề của họ” - ông Minh cho biết.

Phát huy mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng

Để đạt được các mục tiêu đó, về nguồn lực, Nhà nước ưu tiên đầu tư các hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội trọng yếu, công cộng, tiếp tục kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế theo các hình thức BOT, BT. PPP tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, vốn ODA, vốn xã hội hóa để cùng với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để tạo ra bước đột phá trong đầu tư xây dựng đô thị Bình Dương, điều chỉnh cơ cấu thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực ưu tiên trên địa bàn huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, bắc Bến Cát, bắc Tân Uyên. UBND tỉnh cũng đã đưa mục tiêu xây dựng 2 cụm công nghiệp vật liệu xây dựng và chế biến nông sản ở 2 huyện Dầu Tiếng và Phú Giáo là những dự án trọng điểm, có tính đột phá. Các dự án này trở thành hiện thực vừa bảo đảm tăng thu ngân sách địa phương vừa đáp ứng phát triển đô thị cân bằng, bền vững hơn.

Hòa Nhân

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=270
Quay lên trên