Xóa độc quyền áp giá điện

Cập nhật: 07-06-2012 | 00:00:00

Ngày 6-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Điện lực, Luật Luật sư và Luật Hợp tác xã sửa đổi.

Với dự thảo Luật Điện lực, theo Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường và nhiều ĐB cho rằng cần phải quy định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn trong dự thảo về cơ cấu hình thành giá điện để làm cơ sở tính toán, kiểm tra, giám sát. Nhiều quốc gia đã công khai việc cơ cấu giá điện ngay trong hóa đơn trả tiền điện của khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng kiểm soát chi phí khi sử dụng điện. Báo cáo thẩm tra cũng nhấn mạnh, nhà nước định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; định khung giá đối với giá phát điện, bán buôn điện, mức giá bán lẻ điện bình quân.

Quan điểm này được ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) chia sẻ và cho rằng, hiện nay chưa khắc phục được độc quyền trong phát, truyền tải, phân phối dẫn đến mối quan hệ bất bình đẳng giữa người bán và người mua điện. Để khắc phục tình trạng này cần bổ sung quy định đơn vị cung cấp điện phải công khai minh bạch cơ chế vận hành điện trong từng thời điểm. Nhà cung cấp công khai, người tiêu dùng yên tâm là tính đúng, đủ theo thị trường. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng, thời gian qua giá cả mặt hàng như xăng dầu, điện luôn nhạy cảm, gây nhiều bức xúc, tranh luận trong cử tri. Giá điện được xây dựng trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán là hợp lý, song cần ghi rõ báo cáo đó được kiểm toán độc lập vì có nhiều loại hình kiểm toán.

Theo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, cơ quan này ủng hộ việc nhà nước quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, giá bán lẻ điện do đơn vị điện lực quyết định trên cơ sở khung giá mức giá bán lẻ điện bình quân mà nhà nước đã quy định. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm nội dung nhà nước có quy định cơ chế điều chỉnh giá điện bởi ngành điện hiện nay và trong thời gian tới vẫn do doanh nghiệp nhà nước độc quyền chi phối. Nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền. Điện là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế - xã hội cả nước. Vì vậy, nhà nước cần quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung đó; bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng; tạo chủ động cho doanh nghiệp và nhà nước vẫn kiểm soát được giá điện.

Với dự thảo Luật Luật sư, theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cần phải có quy định nâng cao đạo đức của người hành nghề, trong đó cần đề cao vai trò của các tổ chức nghề nghiệp. Nếu luật sư có dấu hiệu vi phạm là loại ngay bởi thực tế hiện nay việc xử lý chưa nghiêm dẫn đến xung đột quyền lợi giữa bên bị, bên nguyên. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM Phạm Văn Gòn cũng đồng tình và cho rằng, đạo đức của luật sư phải đặt lên hàng đầu, nếu vi phạm cần rút giấy chứng nhận hành nghề vĩnh viễn. ĐB Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cũng cho rằng, dù người được xóa án tích nghiêm trọng vẫn không nên cho phép được hành nghề luật sư. Vì tham gia nghề này mà phạm tội nghiêm trọng người dân sẽ không tin tưởng.

Về dự án Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi, theo ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM), luật này đã cơ bản nêu rõ các vấn đề về hoạt động HTX. Nên nếu luật ra đời mà phong trào HTX không lên là do cách làm chứ không phải do luật. HTX phải vì quyền lợi của xã viên - vốn là những người có nhu cầu làm ăn nhưng thiếu nguồn lực. Vì vậy luật phải nêu rõ sự hỗ trợ của nhà nước đối với HTX.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Sài Gòn Co.op) cho rằng, cần có nhiều chính sách hơn cho HTX, nhất là về vốn, cho phép HTX được huy động vốn như các loại hình doanh nghiệp khác. Đặc biệt là chính sách tín dụng đối với HTX vì hiện nay các HTX gần như bế tắc về vốn do đa phần xã viên đều nghèo. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM cho biết, TP.HCM có 58 HTX nông nghiệp nhưng chỉ có 12 HTX làm ăn khá, còn lại đều ở mức trung bình, một số đang xin giải thể.

* ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn): Đầu tư của ngành điện có một phần lớn từ ngân sách, nhiều dự án lớn có nguồn ODA. Ngân sách vừa rồi chi trả cho nước ngoài hàng trăm ngàn tỷ đồng, chủ yếu là trả nợ cho ngành điện. Ngay cả chương trình phát triển điện ở Tây Nguyên đang được EVN quảng bá thì tới 80% là ngân sách, EVN chỉ lo 15% - 20%. Tài sản của EVN hiện nay cũng là của ngân sách đầu tư nhiều năm nay. Ngay cả đến hệ thống lưới điện ở nông thôn, vùng sâu vùng xa mà người dân đã đầu tư, giờ chuyển giao cho EVN mà EVN cũng chưa trả được. Thế nhưng, với nhiều đặc lợi như vậy, ngành điện lại đang muốn chuyển thành giá thị trường hết, giá tự do hết là chưa hợp lý.

* ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội): Chúng ta đã có xã hội hóa phần nguồn điện, phát điện nhưng thực chất mua buôn vào vẫn là độc quyền và bán lẻ ra cũng là độc quyền (EVN là người mua và bán duy nhất). Đã độc quyền thì không thể có cạnh tranh, không có định hướng theo thị trường.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên