Các thiết chế văn hóa - thể thao: Đáp ứng nhu cầu đời sống người dân

Cập nhật: 01-10-2018 | 08:59:37

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh vừa tổ chức giám sát thực tế việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư, sử dụng các thiết chế văn hóa thể thao (VHTT) trên địa bàn một số huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Qua kiểm tra thực tế, các thành viên trong đoàn giám sát ghi nhận các thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện, thị đến các xã, phường, thị trấn đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của nhân dân; đồng thời góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân.

 Đoàn Giám sát của Thường trực HĐND tỉnh giám sát tại Khu di tích lịch sử địa đạo Tam Giác Sắt

 Quan tâm đầu tư, xây dựng

Từ thực tế kiểm tra, giám sát tại các địa phương, các thành viên trong đoàn giám sát đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về đầu tư, sử dụng các thiết chế văn hóa - thể thao trên địa bàn các huyện, thị. Đặc biệt, tại huyện Dầu Tiếng, trong thời gian từ năm 2015 đến tháng 6 năm 2018, UBND huyện Dầu Tiếng đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng các thiết chế VHTT gồm: Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao huyện với các hạng mục như: Nhà Văn hóa 700 chỗ ngồi, sân bóng đá, sân tennis, sân khấu ngoài trời, đường giao thông nội bộ với tổng kinh phí đầu tư trên 120 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng được đầu tư xây mới 3 Trung tâm VHTT cấp xã với tổng kinh phí 13,3 tỷ đồng. Các Trung tâm VHTT - Học tập cộng động ở cơ sở đang dần trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa đã được tỉnh, huyện đầu tư xây dựng, huyện đã xin chủ trương và được UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Quản lý di tích huyện, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, hoạt động của ban đã thúc đẩy việc quản lý phát huy giá trị của các di tích ngày càng hiệu quả cao.

Trong khi đó, huyện Bắc Tân Uyên đãđầu tư xây dựng Trung tâm VHTT với tổng kinh phí hơn 39 tỷ đồng gồm các khối: Hành chính, thư viện, phòng truyền thống và nhà đa năng. Cùng với đó, 4 Trung tâm VHTT- học tập cộng đồng cấp xã cũng được đầu tư xây dựng. Sự quan tâm đầu tư xây dựng vàvận hành hiệu quảthiết chế VHTT ở các huyện đãđáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xãhội của địa phương, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Thực tếcho thấy, các trung tâm văn hóa trên địa bàn đãthật sựtrởthành địa chỉsinh hoạt văn hóa quen thuộc của nhân dân.

Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đến nay hệ thống các thiết chế VHTT trên địa bàn TX.Dĩ An được đầu tư và đưa vào sử dụng, bước đầu khai thác có hiệu quả; các thiết chế đã tạo nhiều sân chơi, bãi tập, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Các trung tâm VHTT - học tập cộng đồng ở cơ sở đang dần trở thành nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, nơi luyện tập thể thao của người dân địa phương.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa

Cùng với công tác đầu tư xây dựng từ ngân sách Nhà nước, các địa phương cũng đặc biệt quan tâm tới công tác xã hội hóa. Qua giám sát, đoàn cũng ghi nhận một số địa phương thực hiện tốt công tác xã hội hóa kêu gọi các nguồn lực, các thành phần kinh tế - xã hội tham gia đầu tư thiết chế VHTT. Ở TX.Thuận An có 151 thiết chế văn hóa và 205 thiết chế thể thao được đầu tư từ nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng. Các thiết chế văn hóa được đầu tư từ các nguồn xã hội hóa đã góp phần cùng Nhà nước đa dạng hóa các loại hình vui chơi, giải trí, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần trong nhân dân.

Với việc chủ động thực hiện xã hội hóa xây dựng hệ thống thiết chế VHTT cơ sở, huyện Bắc Tân Uyên đã thu hút nhiều cá nhân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực VHTT. Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, huyện đã chủ động vận dụng các quy định của pháp luật, kêu gọi các thành phần kinh tế tư nhân, hộ gia đình tham gia hoạt động kinh doanh văn hóa, dịch vụ văn hóa với nguồn kinh phí huy động trên chục tỷ đồng. Các thành phần kinh kế này chiếm tỷ lệ ngày càng cao, trở thành lực lượng chủ yếu, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Phòng VHTT đã vận động xây dựng được 9 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, 2 Câu lạc bộ Thơ ca, 10 đội văn nghệ quần chúng, 4 điểm vui chơi giải trí cho thiếu nhi tại các xã Lạc An, Thường Tân, Tân Bình, Tân Thành do tư nhân đầu tư với số tiền gần 700 triệu đồng. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có 1 thư viện tư nhân “Huỳnh Văn Nghệ” với gần 2.000 bản sách, đáp ứng nhu cầu đọc sách của thanh thiếu niên và phục vụcó hiệu quả nhu cầu thông tin, tri thức của nhân dân.

Quan tâm công tác bảo tồn, duy trì hoạt động

Qua giám sát thực tế các di tích lịch sử văn hóa (Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh; căn cứ cách mạng Rừng Kiến An; Khu di tích lịch sử địa đạo Tam Giác Sắt; danh thắng núi Châu Thới…) các thành viên trong đoàn ghi nhận các thiết chế VHTT trên địa bàn được quan tâm đầu tư, bảo tồn. Các di tích lịch sử trên địa bàn được quan tâm trùng tu, sửa chữa và phát huy được giá trị giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng ở địa phương, phục vụ tốt nhu cầu tham quan, thăm viếng, tìm hiểu lịch sử của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các di tích còn là nơi tổ chức các sự kiện, hoạt động của địa phương như lễ hội giao thừa, hội trại tòng quân và các hoạt động giao lưu, về nguồn của đoàn viên, thanh niên, học sinh. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tháng 9-2016, UBND tỉnh quyết định thành lập Ban Quản lý di tích Núi Cậu huyện Dầu Tiếng bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động của ban đã làm cho việc quản lý và phát huy giá trị của các di tích ngày càng đi vào nề nếp, hiệu quả. Tuy nhiên, ở huyện Bắc Tân Uyên, Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ đang trong quá trình xây dựng chưa hoàn thành, di tích khảo cổ Dốc Chùa đang trong giai đoạn giải tỏa đền bù nên gặp khó khăn trong công tác triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch gắn với các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện.

 Ông Trịnh Đức Tài, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát:

Qua giám sát thực tế công tác đầu tư, sử dụng các thiết chế văn hóa - thể thao tại các huyện, thị trên địa bàn tỉnh, đoàn giám sát nhận thấy công tác triển khai thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về xây dựng tổ chức các thiết chế VHTT khá tốt. Công tác đầu tư cho thiết chế ngày càng được quan tâm, có nhiều các thiết chế VHTT, khu di tích lịch sử được đầu tư trùng tu, sửa chữa, nâng cấp. Hiệu quả sử dụng được chú trọng. Trong khi đó, công tác xã hội hóa kêu gọi đầu tư ngày càng nhiều, tạo điều kiện cho người dân đến sinh hoạt, giải trí. Các đô thị có nhiều khu công nghiệp tập trung đông công nhân lao động được xây dựng Trung tâm Văn hóa phục vụ công nhân.

Các thiết chế VHTT từ huyện, thịđến các xã, phường đã đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe của nhân dân; đồng thời góp phần tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Bên cạnh đó, đoàn cũng ghi nhận ý kiến, kiến nghị của các huyện, thị chuyển đến các ngành chức năng xem xét, giải quyết.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên