Cải thiện đời sống cho người lao động

Cập nhật: 26-12-2018 | 08:24:50

Với mức tăng 5,3% so với năm 2018, lương tối thiểu vùng năm 2019 sẽ tăng từ 160.000 đồng đến 200.000 đồng kể từ ngày 1-1-2019 tới đây. Mặc dù mức tăng lương này có thể chưa lớn nhưng phần nào đã đáp ứng được sự kỳ vọng của người lao động cũng như bảo đảm hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp. Với sự điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2019, người lao động sẽ có thêm thu nhập để cải thiện đời sống, yên tâm lao động sản xuất.

 Theo đó, mức lương tối thiểu vùng 1 sẽ tăng 200.000 đồng (4,180 triệu đồng); vùng 2 tăng 180.000 đồng (3,710 triệu đồng); vùng 3 tăng 160.000 đồng (3,250) triệu đồng; vùng 4 cũng tăng 160.000 đồng (2.920 triệu đồng). Mức lương tối thiểu vùng này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó phải bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất và cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định.

Trên thực tế, trong 10 năm qua, mức lương tối thiểu vùng hàng năm đều có sự điều chỉnh tăng đáng kể. Chẳng hạn như năm 2010, mức lương tối thiểu của vùng một chỉ là 980.000 đồng thì năm 2019 đã tăng lên 4,180 triệu đồng. Thế nhưng phải thừa nhận rằng, với mức lương tối thiểu vùng dù có tăng hàng năm, đời sống cho người lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, bên cạnh lương thì người lao động vẫn phải làm thêm hay tăng ca mới đủ trang trải cuộc sống. Thậm chí, tại nhiều doanh nghiệp, công nhân còn đề nghị được tăng ca mặc dù cường độ và áp lực lao động rất lớn. Theo một khảo sát mới đây của Viện Công nhân Công đoàn, khoảng 50% ý kiến của người lao động cho biết có làm thêm giờ với mức trung bình là 28,5 giờ, cao nhất là 50 giờ/ tháng. Điều này đã chỉ ra rằng, bên cạnh mức lương thỏa thuận trên cơ sở mức lương tối thiểu vùng, người lao động muốn tăng thêm thu nhập thì sẽ phải tăng ca, làm thêm giờ.

Vì vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng từ 160.000 đồng lên 200.000 đồng sẽ góp phần cải thiện đáng kể cho đời sống cho hàng chục triệu người lao động. Mặc dù mức tăng này chưa cao nhưng đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp, người lao động thỏa thuận về chế độ tiền lương. Người lao động sẽ được tăng thêm nguồn thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống và tái sản xuất sức lao động, học tập, nâng cao trình độ, tay nghề. Các doanh nghiệp cũng đủ khả năng để chi trả nhằm chăm lo đời sống cho người lao động ngày càng tốt hơn; tạo động lực để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

ĐÀM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên