Cần lắm những giọng văn mới mẻ

Cập nhật: 17-07-2018 | 08:56:53

Nếu so với các chi hội chuyên ngành khác như âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật… Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh có sự ưu ái về “sân chơi” dành cho các nhà thơ, nhà văn trong tỉnh. Đó là Tạp chí Văn nghệ xuất bản hàng tháng. Tuy nhiên, vẫn còn quá ít giọng văn mới mẻ…


Các HV chuyên ngành văn học tham quan ao Bà Om (Trà Vinh) trong trại sáng tác văn học năm 2018

Phải công nhận một điều rằng lãnh đạo tỉnh, Hội VHNT tỉnh luôn quan tâm đến đội ngũ văn nghệ sĩ. Với hội viên (HV) văn học, ngoài việc tạo ra nơi giao lưu, sinh hoạt hội còn tạo điều kiện để HV đăng bài trên tạp chí, hỗ trợ xuất bản các ấn phẩm in chung và riêng, tổ chức trại sáng tác văn học hàng năm để HV đi cơ sở. Từ những chuyến đi sáng tác như thế, HV có được hơi thở của cuộc sống, bám sát tình hình của đất nước, con người để từ đó có những tác phẩm thiết thực, góp phần phản ánh sự phát triển của tỉnh nhà.

Tuy nhiên, những năm qua, có một thực tế là HV văn học ngày càng… hiếm hoi! Ít có những cây bút trẻ, mới tham gia với hội. Người viết bài từng là HV trẻ của những năm 2000 và từ đó đến nay vẫn mong lắm những cây bút trẻ xuất hiện trên diễn đàn văn chương của tỉnh. Khó có một tác giả trẻ với giọng văn mới mẻ đủ để thu hút sự chú ý của độc giả. Hội VNHT tỉnh cũng từng tổ chức các hội thảo về viết văn tại các trường phổ thông trung học, đại học nhưng nhưng vẫn khó tìm được những người thực sự tham gia và say mê văn chương.

Với HV của Phân hội Văn nghệ dân gian, thường là tập trung nghiên cứu, sưu tầm để có những bài viết mới, đóng góp to lớn cho việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương nói riêng và bản sắc văn hóa của dân tộc nói chung. Trong năm đã có thêm nhiều bài biên khảo có giá trị của các hội viên về: Vùng đất Thủ Dầu Một, ẩm thực của người Bình Dương trong thời hội nhập, các bài viết này đã được lần lượt đăng trong Tạp chí Văn nghệ Bình Dương.

Hầu hết HV chuyên ngành văn học là nhà giáo, nhà báo, cán bộ công tác tại các ngành đã nghỉ hưu và với họ, văn chương thật sự là cuộc dạo chơi chứ không phải là một nghề chính. Điều này cũng có thể phần nào làm cho văn chương Bình Dương không có được những thành công hay nổi trội như các phân hội khác…

Thế nên, rất cần những cây bút mới với giọng điệu mới mẻ. Có thể kể đến một số HV, cộng tác viên văn học như: Minh Phương, Phương Lan, Hoài Hương, Kim Ngoan… đã góp phần làm cho văn học Bình Dương phong phú hơn. Chị Nguyễn Thị Kim Ngoan, hiện dạy môn hội họa Khoa Kiến trúc xây dựng trường Đại học Thủ Dầu Một. Chị Ngoan làm thơ từ hơn 10 năm nay. Các đề tài chủ yếu thường là tình yêu, quê hương Bình Dương, viết cho thiếu nhi. Chị cũng đã được giải ba cuộc thi Vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 2012; khuyến khích Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ năm 2015; giải ba cuộc vận động Đất và người Bình Dương năm 2017… Phương Lan cũng là một giáo viên dạy văn ở trường THPT Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên). Cô tốt nghiệp Đại học Sư phạm chuyên ngành ngữ văn, tốt nghiệp lớp Viết văn Nguyễn Du khóa XI, tốt nghiệp lớp Lý luận phê bình văn học. Phương Lan đã có nhiều truyện, ký, thơ phổ nhạc và tham gia cộng tác với báo, tạp chí văn học nghệ thuật khác. Quan niệm về văn chương của Phương Lan mà cụ thể là “cảm xúc đỉnh điểm của chân - thiện - mỹ để viết ra tác phẩm mang tiếng nói riêng của mình”. Trong thơ của Phương Lan ta cũng thấy tình yêu mảnh đất Bình Dương thân thương: “Đất Thủ quê mình đẹp lắm phải không anh/ Những ngôi nhà đỏ tươi thơm mùi ngói/ Những con đường thênh thang, những nhà máy mới/ Con phố xinh rực rỡ cả ánh đèn/ Đất Thủ quê mình... em yêu lắm những màu men

Tương Bình Hiệp, Dĩ An, Tân Phước Khánh.../

Anh yêu ơi, anh có nghe nồng sánh/ Màu tình yêu trong ánh mắt của em trao?...” (Em yêu đất Thủ quê mình).

Đã có sân chơi, đã có sự quan tâm của lãnh đạo cũng như Hội VHNT tỉnh, vấn đề còn lại chúng ta cần yêu quý văn chương, đam mê hơn với văn chương để có những tác phẩm văn học gần gũi với cuộc sống hơn nữa…

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh: Tổ chức trại sáng tác văn học

Từ ngày 13 đến 16-7, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức trại sáng tác chuyên ngành văn học năm 2018 dành cho hội viên của hội.

Trại sáng tác năm nay được tổ chức ở miền Tây. Hội viên tham gia được tham quan, giao lưu với hội viên văn nghệ thuộc Hội VHNT các tỉnh: Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang. Một số điểm dừng chân trong đợt này để hội viên tham quan, khảo cứu viết bài gồm: Ao Bà Om (Trà Vinh), Khu lưu niệm nữ tướng Nguyễn Thị Định, cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, cụ Võ Trường Toản, cụ Phan Thanh Giãn (Bến Tre); nhà cổ Bạch công tử Lê Công Phước (Tiền Giang)… Sau thời gian tham dự trại, hội viên nộp về Ban tổ chức 2 truyện ngắn hoặc 1 truyện ngắn, 1 ký; 5 bài thơ hoặc 1 bài khảo cứu.

 

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên