Cần nhân rộng hiệu quả Dự án Phát triển doanh nghiệp bền vững

Cập nhật: 01-12-2018 | 16:08:07

Bên cạnh đánh giá cao hiệu quả của Dự án Phát triển doanh nghiệp bền vững (SCORE) - một chương trình của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) triển khai tại Công ty TNHH Tiến Hưng (TX.Thuận An) - thành viên Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), tại cuộc làm việc vừa qua, Đoàn đại biểu cấp cao Thụy Sĩ còn đề xuất cần nhân rộng kết quả của SCORE sau 5 năm triển khai tại Việt Nam.

 Đoàn đại biểu cấp cao Thụy Sĩ thăm nhà máy sản xuất Công ty TNHH Tiến Hưng. Ảnh: TIỂU MY

Môi trường làm việc an toàn, năng suất lao động tăng

Tại buổi khảo sát về kết quả từ sự hỗ trợ của SCORE tại Công ty TNHH Tiến Hưng vừa qua, các chuyên gia Đoàn cấp cao Chính phủ Thụy Sĩ đánh giá cao hiệu quả công ty đã đạt được.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Hưng, sau khi tham gia SCORE, công ty đã có những nỗ lực lớn để nâng cao năng suất và cải thiện môi trường làm việc. Theo đó, công ty đã khuyến khích và trao quyền cho người lao động tham gia các hoạt động cải tiến tại nơi làm việc; cán bộ quản lý và công nhân cùng tham gia quá trình cải tiến giúp giảm lãng phí, thao tác nặng nhọc cho công nhân, giúp môi trường làm việc an toàn và vệ sinh hơn. Nhờ đó, năng suất lao động tại nhiều khâu sản xuất trong công ty đã tăng từ 10 - 50%, tỷ lệ lỗi sản phẩm trung bình trong năm 2018 giảm 63% so với năm trước. Công ty ước tính, các cải tiến đã giúp công ty tiết kiệm được trên 1,3 tỷ đồng mỗi năm.

Ông Hùng cho biết, từ khi doanh nghiệp tham gia SCORE, công nhân công ty làm việc sạch, an toàn hơn. Nhờ áp dụng các phương pháp của SCORE, Công ty Tiến Hưng đã triển khai các cải tiến một cách có hệ thống và bền vững. Những cải tiến này đã giúp công ty tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động và giảm đáng kể tỷ lệ sản phẩm lỗi. Bên cạnh đó, tai nạn lao động trong công ty giảm đáng kể; những năm trước còn xảy ra những vụ tai nạn khá nghiêm trọng, năm nay hầu như không xảy ra trường hợp nào.

Ông Boris Zürcher, Quốc vụ khanh, Cục trưởng Cục Lao động thuộc Tổng cục Kinh tế, Bộ Kinh tế, Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Thụy Sĩ, nhận xét phương pháp của chương trình SCORE đem lại lợi ích cho cả người lao động và doanh nghiệp. Dự án góp phần cải thiện điều kiện lao động, đồng thời nâng cao năng suất và tiềm năng phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cần nhân rộng dự án

Theo đánh giá của ông Nguyễn Phước Vân, Giảng viên của SCORE thì dự án này đã góp phần làm thay đổi ngành gỗ của Bình Dương. Với những chuyên đề triển khai tại Bình Dương, SCORE đã tạo nên một làn sóng thay đổi trong các doanh nghiệp thuộc BIFA và cả doanh nghiệp gỗ tỉnh Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh. Thông qua chương trình tài trợ này, các doanh nghiệp gỗ tỉnh Bình Dương cũng như các địa phương khác tại Việt Nam đi vào sản xuất chuyên nghiệp hơn.

Tại buổi tiếp Đoàn đại biểu cấp cao Thụy Sĩ, ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch BIFA, đã giới thiệu sơ lược với đoàn về sự hình thành, vị thế của ngành gỗ Bình Dương, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong mục tiêu đưa ngành gỗ Bình Dương phát triển bền vững và vươn lên trở thành thủ phủ của ngành gỗ thế giới. Tới đây, hiệp hội sẽ đẩy mạnh hoạt động triển khai SCORE vào các doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp. Ông cũng bày tỏ mong muốn trong trong thời gian tới, các doanh nghiệp của Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sĩ trong những dự án phát triển.

Theo các thành viên trong Đoàn đại biểu cấp cao Thụy Sĩ, SCORE cần được nhân rộng trong các doanh nghiệp của Bình Dương và cả nước. Theo kế hoạch, trong thời gian tới BIFA tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, chia sẻ các kinh nghiệm từ SCORE nhằm giúp các doanh nghiệp trong hiệp hội phát triển sản xuất theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Lãnh đạo BIFA cho rằng, trong xu thế thuận lợi chung của ngành gỗ trong việc mở rộng thị trường, việc áp dụng SCORE được các doanh nghiệp đánh giá là tiền đề nâng cao năng suất lao động, nâng tầm vị trí doanh nghiệp trong đối tác quốc tế.

 SCORE là dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nâng cao năng suất và cải thiện điều kiện làm việc thông qua các thực hành quản lý sản xuất tốt trên toàn thế giới, giúp các DNNVV tham gia tốt hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Việt Nam, dự án được phối hợp triển khai bởi ILO và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, cùng sự tham gia của các hiệp hội như BIFA, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Lâm sản tỉnh Bình Định (FPA). Dự án được đồng tài trợ bởi Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ. Hơn 170 doanh nghiệp đại diện cho trên 60.000 lao động đã được SCORE hỗ trợ để nâng cao năng suất và điều kiện làm việc. Tại Bình Dương, SCORE đã triển khai thực hiện trong 5 năm qua, hỗ trợ các doanh nghiệp may mặc, chế biến gỗ. Các chuyên gia của ILO đã tư vấn cho chủ doanh nghiệp và đào tạo đội ngũ cán bộ của doanh nghiệp các chuyên đề như: Hợp tác tại nơi làm việc, quản lý chất lượng, sản xuất sạch hơn, quản lý nguồn nhân lực và an toàn vệ sinh lao động…

 TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên