Chăm sóc sức khỏe người nghèo ở vùng khó khăn

Cập nhật: 13-01-2013 | 00:00:00

Nhằm giúp người nghèo ở các tỉnh miền núi, khó khăn, Liên minh châu Âu (EU) tài trợ dự án hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người nghèo ở các tỉnh Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Kon Tum, Gia Lai. Sau năm năm triển khai, dự án đem lại nhiều hiệu quả cụ thể, thiết thực, là cơ sở để tiếp tục có những hỗ trợ trong giai đoạn mới.

  Cân giám sát tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới năm tuổi ở xã Pi Toong, Mường La (Sơn La).  Dự án tập trung cung cấp các gói dịch vụ y tế: làm mẹ an toàn; phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em; tiêm chủng mở rộng; phòng, chống nhiễm khuẩn hô hấp; cải thiện quản lý bảo hiểm y tế và hỗ trợ trực tiếp người nghèo khám chữa bệnh; chăm sóc mắt dựa vào cộng đồng... Dự án cũng dành một phần hỗ trợ để cải thiện điều kiện làm việc cho các cơ sở y tế; thí điểm triển khai mô hình chăm sóc bệnh nhân hen và tăng huyết áp dựa vào cộng đồng tại huyện Tam Ðường, tỉnh Lai Châu và huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Thí điểm mô hình thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất tại ba xã của huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai và mở rộng ở bốn xã huyện Ðác Tô, tỉnh Kon Tum.

Kết quả cho thấy, chỉ số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất ba lần tăng dần qua các năm từ năm 2010 (49,5%), đến năm 2011 (65,8%) và 2012 (68,3%). Việc hỗ trợ hoạt động khám thai giúp trạm y tế xã quản lý tốt hơn các trường hợp thai nghén, tư vấn tốt hơn cho người phụ nữ mang thai về chế độ ăn, nghỉ ngơi, làm việc và lựa chọn nơi sinh hợp lý, vận động phụ nữ đến cơ sở y tế để đẻ. Ðồng thời giúp quản lý được đối tượng và cung cấp viên đa vi chất cho phụ nữ có thai. Ðáng chú ý, số phụ nữ đẻ được cán bộ y tế đỡ đẻ đạt tỷ lệ rất cao. Ðây là một trong những thành công lớn của dự án do hoạt động này rất khó can thiệp, nhất là ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nơi có phong tục tập quán riêng; địa hình hiểm trở, giao thông đi lại không thuận lợi, nhất là mùa mưa, gây khó khăn không nhỏ để phụ nữ có thai đến các cơ sở y tế đẻ. Chỉ số này tăng qua các năm ở cả năm tỉnh và tăng cao ở ba tỉnh Ðiện Biên, Sơn La và Kon Tum. Bác sĩ Nguyễn Ðức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng: Dự án xây dựng gói can thiệp theo đúng ưu tiên của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em (chăm sóc trước, trong và sau sinh). Các tiếp cận giải quyết ba chậm trong làm mẹ an toàn (chậm trễ trong việc phát hiện nguy cơ và tai biến là do chậm trong việc quyết định sử dụng dịch vụ chăm sóc và chậm đến cơ sở y tế) của Tổ chức Y tế thế giới là rất phù hợp.

Hoạt động hỗ trợ phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em cũng rất được quan tâm qua các hoạt động hỗ trợ và can thiệp. Nhiều hoạt động được triển khai như lập danh sách, cân và theo dõi cân nặng cho trẻ dưới hai tuổi; xác nhận và theo dõi các trẻ dưới năm tuổi suy dinh dưỡng; bổ sung dinh dưỡng cho trẻ dưới năm tuổi suy dinh dưỡng nặng... Nhờ đó, tỷ lệ trẻ dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng giảm dần qua các năm: 2008 (30,8%); 2009 (26,2%); 2010 (25,7%); 2011 (24,6%) và chín tháng 2012 (23,5%). Tổng số trẻ dưới năm tuổi được phát hiện suy dinh dưỡng nặng là 88.632 trẻ và số trẻ được cấp sản phẩm phục hồi dinh dưỡng (PHDD) là 40.714 trẻ. Những trẻ được nhận và sử dụng sản phẩm PHDD đã được cải thiện nhiều về tình trạng suy dinh dưỡng, tăng cân nặng. Tuy nhiên vẫn còn một số trẻ quay trở về tình trạng suy dinh dưỡng nặng sau khi hết đợt cung cấp sản phẩm PHDD. Từ thực tế cho thấy việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ là một vấn đề khó khăn, nếu chỉ giao riêng ngành y tế thì rất khó cải thiện được. Ngành y tế làm tốt công tác tư vấn, truyền thông cho người dân, nhưng nếu người dân nghèo, không có tiền để mua đầy đủ các thực phẩm nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho con họ thì tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ khó có thể cải thiện.

Một sự hỗ trợ khá thiết thực và hiệu quả là dự án hỗ trợ trực tiếp người bệnh chi phí khám chữa bệnh. Thống kê cho thấy có gần 800 nghìn người nghèo, nhất là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh nêu trên nhận được hỗ trợ trực tiếp chi phí khám, chữa bệnh như tiền ăn, tiền đi lại, vận chuyển cấp cứu và phần 5% đồng chi trả. Việc hỗ trợ đó giảm đáng kể gánh nặng chi phí mà người bệnh phải bỏ ra khi đi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế. Các hoạt động của dự án nhằm tăng cường sử dụng nguồn tài trợ để trực tiếp hỗ trợ tài chính cho người nghèo theo Quyết định 139 của Chính phủ. Hỗ trợ chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo, nhất là người dân tộc thiểu số nhằm tăng khả năng tiếp cận và được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng; giảm gánh nặng chi phí trong khám chữa bệnh đối với các hộ gia đình nghèo.

Theo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên