Chung tay bảo vệ trái đất

Cập nhật: 28-03-2015 | 08:40:13

Trong tháng 3 này có hai sự kiện lớn phát đi thông điệp kêu gọi mọi người cùng hành động vì một hành tinh xanh với nhiều tổ chức, đoàn thể cùng tham gia là Ngày nước thế giới (22-3) và Giờ Trái đất (28-3). Mục tiêu của các sự kiện là kêu gọi mọi người trên trái đất này cùng chung tay bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường sống. Trong khi các tổ chức, đoàn thể ra sức kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ trái đất thì đây đó vẫn diễn ra những câu chuyện trái ngược với thông điệp được phát đi.

Đốn hạ cây xanh và lấn sông là những hành động trực tiếp xâm hại đến môi trường sống, đi ngược lại thông điệp bảo vệ trái đất mà các tổ chức, đoàn thể đang kêu gọi. Nếu không có những con người tâm huyết với cây xanh Hà Nội, ắt hẳn đến thời điểm này 6.700 cây xanh trên các đường phố Hà Nội nằm trong danh sách phải “trảm” đã không còn cây nào. Nếu các cơ quan thông tấn báo chí không vào cuộc, rồi đây một đoạn bờ sông ở Đồng Nai sẽ bị san lấp vì mục đích thương mại. Đốn hạ cây xanh và lấn sông có thể đem lại cái lợi trước mắt cho một tổ chức hay một nhóm người, nhưng hậu quả thì cả cộng đồng phải gánh chịu! Trái đất này sẽ ra sao nếu thiếu vắng cây xanh và những dòng chảy tự nhiên? Câu hỏi ấy chắc chắn không dành cho những người vô cảm với môi trường sống của nhân loại!

Một câu hỏi đau đáu đối với những ai yêu Hà Nội những ngày này là Hà Nội sẽ ra sao nếu đường phố thiếu vắng những hàng cây? Bên cạnh hình ảnh cây xanh Hà Nội từ lâu đã đi vào thơ, vào nhạc thì đường phố Hà Nội những ngày hè sắp tới chỉ còn lại cái nắng gay gắt nếu thiếu những hàng cây. Chính vì vậy mà trong những ngày qua, dư luận cả nước cực lực lên án việc cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cho đốn hạ cây xanh trên các tuyến phố. Để sửa sai, thành phố Hà Nội đã nhanh chóng dừng ngay dự án đốn hạ cây xanh. Còn tại Đồng Nai, khi bị lên tiếng các cơ quan chức năng tỉnh này vẫn “mạnh miệng” phản ứng và cho rằng việc lấn sông không ảnh hưởng tới ai! Trong khi đó, sông Đồng Nai không hề của riêng tỉnh Đồng Nai mà đi qua nhiều tỉnh, thành và ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều vùng dân cư trong lưu vực.

Một bài học mà nhiều địa phương trong nước đã từng nếm trải là nhận lãnh hậu quả của việc chống lại tự nhiên. Tình trạng thiếu nước để sử dụng tại nhiều nơi đã được xác định chỉ vì tàn phá rừng hoặc chặt phá cây xanh quá mức. Nhận diện được nguyên nhân, những địa phương này đang ra sức trồng rừng và bảo vệ số cây xanh ít ỏi còn lại. Nhiều khu vực tại TP.Hồ Chí Minh những năm gần đây bị ngập nghiêm trọng khi mưa lớn một phần nguyên nhân được xác định là do san lấp kênh rạch tự nhiên. Và, dự án đào lại dòng kênh Hàng Bàng trả lại nguyên trạng ban đầu cho dòng kênh này là một trong những bước sửa sai của chính quyền TP.Hồ Chí Minh nhằm mục đích bảo vệ môi trường sống của cư dân thành phố.

Chung tay bảo vệ trái đất là chuyện lớn. Đối với cá nhân, muốn chung tay bảo vệ trái đất hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất là tắt bớt một bóng đèn khi không có nhu cầu sử dụng. Đối với các địa phương, muốn chung tay bảo vệ trái đất, vì môi trường sống của người dân, xin đừng vội vàng với những dự án như chặt cây, lấn sông khi chưa đánh giá đầy đủ tác động môi trường.

LÊ  QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên