Cơ hội lớn, thách thức nhiều

Cập nhật: 09-06-2020 | 09:04:47

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn vào sáng qua (8-6). Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030; đồng thời Việt Nam sẽ có thêm từ 100.000 - 800.000 người thoát nghèo. Những con số nêu trên cho thấy EVFTA được phê chuẩn là cơ hội lớn đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những thách thức mà DN phải tìm cách thích ứng để vượt qua.

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường rộng lớn, không chỉ hấp dẫn đối với cộng đồng DN Việt Nam mà bất kỳ cộng đồng DN của quốc gia nào trên thế giới cũng thèm muốn được hợp tác làm ăn. Với 27 quốc gia thành viên, dân số trên 500 triệu người, GDP hàng năm ước đạt khoảng 18.000 tỷ USD, EU là thị trường lớn cho hàng hóa của DN Việt Nam. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Việt Nam đã xuất sang thị trường này 41,7 tỷ USD hàng hóa, ngang bằng với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh thị trường lớn, EVFTA có mức cam kết cao về lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu mà đối tác dành cho Việt Nam. Theo đó, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu chỉ sau một lộ trình ngắn.

Với những cam kết nêu trên, EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đi cùng với những lợi thế nêu trên, EVFTA được phê chuẩn cũng đem lại hàng loạt thách thức, trong đó việc thực thi các cam kết về vấn đề thể chế, chính sách, pháp luật, môi trường kinh doanh, xuất xứ hàng hóa, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiều quy định khắt khe khác đòi hỏi DN Việt Nam phải lường trước. EVFTA được phê chuẩn, Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư từ EU và trên toàn thế giới. Một khi dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng lên, số lượng đơn thư khiếu nại thương mại theo đó cũng sẽ tăng lên.

Cơ hội càng lớn, thách thức càng nhiều là quy luật mà bất kỳ DN nào khi bước chân ra thương trường cũng đều biết đến. Cách đây chưa lâu, cộng đồng DN Việt Nam cũng lo lắng không ít khi Việt Nam gia nhập “sân chơi” lớn WTO. Vào thời điểm đó, không ít ông chủ DN Việt Nam mất ăn, mất ngủ với nỗi lo liệu có trụ vững với thương trường nhiều biến động sau hội nhập WTO. Và rồi mọi chuyện cũng trôi qua êm đẹp, DN Việt Nam không chỉ hội nhập tốt mà còn tự điều chỉnh để tăng tốc phát triển. Với sự tự tin, năng động, chịu khó tìm tòi, học hỏi của DN Việt Nam, tin rằng DN sẽ nhanh chóng thích ứng để vượt qua những thách thức mà EVFTA đặt ra, tận dụng cơ hội để đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết
Tags
Việt Nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên