Công nhân thời hội nhập

Cập nhật: 15-02-2018 | 17:20:50

Trong cái lạnh của những ngày gần tết, công nhân lao động (CNLĐ) trong các nhà máy lại tất bật cho những đơn hàng cuối năm. Phong trào học tập, hội nhập quốc tế tựa như làn gió mát, những tia nắng ấm đã và đang mang đến đổi thay trong đời sống công nhân. Tất cả góp thêm niềm vui, nụ cười để mùa xuân mới thêm ấm áp.

 Ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh trao giấy khen, biểu trưng cho CNLĐ đạt danh hiệu “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”

 Niềm vui sáng tạo

Trong không khí ấm áp của mùa xuân, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Lý, quản lý phân xưởng may thuộc Công ty Cổ phần Sao Việt (KCN Đồng An). Dáng người nhỏ nhắn nhưng chị rất thông minh, nhanh nhẹn trong công việc. Sáng kiến đầu tiên của chị là chiếc máy tự chế rập mép viền. Xuất phát từ thực tế công đoạn rập mép viền rất mất thời gian và nhân công nên chị Lý đã có ý tưởng cải tiến chiếc máy cũ thành chiếc máy đạt chất lượng cao. Anh chị em trong công ty thường gọi vui là chiếc máy “tiết kiệm 8 người”. Bởi chiếc máy do chị Lý cải tiến không chỉ cải tiến mẫu mã sản phẩm đẹp, chất lượng cao mà còn giúp giảm 8 nhân công lao động trong dây chuyền sản xuất. Cải tiến này mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí sản xuất mỗi năm khoảng 100 triệu đồng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, chị Lý cũng đề xuất công ty kết hợp giữa các công đoạn sắp xếp để công nhân có thể sử dụng hai đầu máy dán tocap, Vamp liên tục.

Không dừng lại ở chiếc máy “tiết kiệm 8 người”, chị Lý đề xuất vận hành những khuôn ép đạt năng suất cao. Một lần có thể ép được từ 2 đến 5 sản phẩm và có thể kết hợp với các công đoạn khác ngay trên chuyền sản xuất. Sáng kiến này, CNLĐ có thể thao tác một lúc nhiều công đoạn, vừa ép vừa dán sen lót hoặc tháo gỡ vật tư để tăng năng suất sản phẩm. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Lý cho biết: “Là công nhân xa quê lập nghiệp, bản thân chị luôn tâm niệm phải tận tụy hết mình vì sự phát triển của nhà máy”. Vì vậy những năm qua chị luôn mày mò sáng tạo, đưa ra sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí hàng trăm triệu đồng cho doanh nghiệp.

Chia tay chị Nguyễn Thị Lý, chúng tôi gặp anh Đoàn Thanh Khiết, công nhân chế biến, Nhà máy Chế biến mủ cao su Cua Paris - Xí nghiệp Cơ khí chế biến và xây dựng Bình Dương. Là người dày dạn kinh nghiệm lại đam mê cải tiến kỹ thuật, anh Khiết đã có nhiều sáng kiến giúp công ty phát triển bền vững nhờ thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường. Xuất phát từ đặc thù sản xuất của đơn vị chuyên chế biến mủ cao su nên vấn đề tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường luôn được đặt lên hàng đầu. Sau nhiều tháng nghiên cứu, nắm rõ quy trình vào ra của nguồn nước, anh Khiết đã lắp đặt mạch điều khiển tự động tắt nguồn các máy bơm nước, tránh để tràn hồ chứa. Ngoài ra, anh còn lắp đặt đường ống dẫn nước về hồ chứa mà trước đây nguồn nước này xả về hồ nước thải. Từ sáng kiến này, mỗi ngày anh Khiết giúp nhà máy tiết kiệm trên 10m3 nước, không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ môi trường, tận dụng và xử lý nước thải một cách khoa học, bài bản.

Tương lai tươi sáng

Đón đầu xu thế khi Việt Nam là thành viên của Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), UBND tỉnh đã ban hành đềán “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong CNLĐ tại các doanh nghiệp đến năm 2020”. Để đạt được mục tiêu đề án, trước mắt Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để CNLĐ làm việc trong các khu công nghiệp (KCN), khu chếxuất (KCX) tích cực tham gia học tập, nâng cao kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong lao động. Song song đó, phong trào học tập suốt đời cũng được đẩy mạnh nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thiện Phước, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: “Thực hiện đề án, LĐLĐ tỉnh đang khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp có đông CNLĐ về tình hình, nhu cầu học tập. Tiến tới, LĐLĐ phối hợp cùng với một số sở, ngành tiến hành xây dựng “Tủ sách học tập” tại các doanh nghiệp để phục vụ CNLĐ. Dự kiến mỗi năm lựa chọn trao tặng 1.000 suất học bổng toàn phần, bán toàn phần cho CNLĐ tiêu biểu theo học các lớp đào tạo dài hạn đạt thành tích cao về học vấn, trình độ chính trị, kỹnăng nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh nghiên cứu xây dựng mô hình “Điểm học tập, sinh hoạt văn hóa” phục vụCNLĐ tại các khu, cụm công nghiệp. Mỗi điểm sẽ được trang bị 2 tủ sách học tập, một số báo chí cần thiết, 1 bộ máy vi tính nối mạng internet, 1 bộ tivi và đầu DVD”.

Mùa xuân đến, nhịp sống mới rộn rã đang hiện diện khắp mọi nẻo đường quê hương. Hy vọng với mục tiêu đã đề ra, LĐLĐ tỉnh cùng một số ngành liên quan sẽ thực hiện thành công và vượt chỉ tiêu đề án đưa ra, chắp thêm ước mơ khát vọng cho CNLĐ được bay cao, vươn xa.

Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 70% CNLĐ trong các doanh nghiệp nói chung và 80% CNLĐ làm việc trong các KCN, KCX có trình độ học vấn trung học trở lên, tạo điều kiện cho 80% - 90% CNLĐ được đào tạo nghề. Hàng năm CNLĐ trong các doanh nghiệp được tham gia học ngoại ngữ, tin học. Phấn đấu 70% CNLĐ và 100% CNLĐ là đảng viên được nghiên cứu, học tập, tìm hiểu những bài chính trị cơ bản, tuyên truyền phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; 70% CNLĐ nữ được tìm hiểu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, hôn nhân và gia đình.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên