Công tác PCCC: Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở

Cập nhật: 11-08-2014 | 08:42:56

Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) là nhiệm vụ của toàn dân, trong đó vai trò trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng trong việc tổ chức phòng ngừa và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố, nhằm hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về sinh mạng, tài sản…

 Kiểm tra hệ thống chữa cháy ở một đơn vị sản xuất Ảnh: THANH TÂM

 

Khi đám cháy mới xảy ra thường là cháy nhỏ, nếu được phát hiện kịp thời và có sẵn lực lượng, phương tiện tại chỗ thì việc dập tắt đám cháy rất nhanh và đơn giản; thế nhưng nếu không phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời thì đám cháy sẽ phát triển lớn; việc tổ chức chữa cháy trở nên rất khó khăn và dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng. Thực tiễn đã chứng minh, công tác PCCC có hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc triển khai thực hiện phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Vì vậy, để tổ chức hoạt động PCCC nhằm hướng tới mục đích ngăn ngừa tốt nhất các sự cố về cháy, nổ cũng như chủ động trong việc PCCC thì vai trò của những người quản lý, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, nơi sản xuất, kinh doanh… (gọi tắt là người đứng đầu cơ sở) là cực kỳ quan trọng.

Người đứng đầu cơ sở là người quyết định kết quả của việc tổ chức hoạt động PCCC ở tại cơ quan, tổ chức, nơi sản xuất, kinh doanh… Nơi nào, lúc nào người đứng đầu cơ sở tích cực, có trách nhiệm thì công việc phòng cháy và chữa cháy được thực hiện thường xuyên, mới làm tốt việc phòng ngừa các sự cố về cháy, nổ và trong trường hợp xảy ra cháy thì cũng có thể chủ động xử lý kịp thời, hạn chế được thiệt hại do cháy gây ra. Ngược lại, nếu người đứng đầu cơ sở thiếu quan tâm, không có trách nhiệm thì nguy cơ xảy ra cháy cao hơn, thiệt hại do cháy gây ra nghiêm trọng hơn và hậu quả sẽ nặng nề hơn.

Trên thực tế, người đứng đầu cơ sở là người mà trách nhiệm và lợi ích trực tiếp của họ gắn liền với kết quả của hoạt động PCCC; bởi vì, khi xảy ra cháy trong phạm vi quản lý của mình thì ngoài trách nhiệm pháp lý, họ là những người chịu thiệt hại trực tiếp về vật chất và các lợi ích gián tiếp khác. Người đứng đầu cơ sở là người có trách nhiệm và quyền hạn để định hướng, điều hành, lãnh đạo một tập thể, tổ chức, một nhóm người thực hiện nhiệm vụ để hướng tới mục tiêu đã định; chính vì vậy, trong cơ quan, tổ chức nói chung chỉ họ mới có quyền hạn quyết định việc tổ chức mọi mặt hoạt động; trong đó có hoạt động PCCC, thông qua ban hành các quyết định, quy định, nội quy và bảo đảm duy trì việc thực hiện nghiêm túc thông qua kiểm tra, đôn đốc, giám sát và xử lý. Mặt khác, người đứng đầu cơ sở được quyền quyết định việc tuyển dụng, phân công, xử lý người thuộc quyền; đồng thời có quyền quyết định việc sử dụng nguồn lực tài chính và các nguồn lực vật chất khác, thế nên họ có quyền quyết định trong việc xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ cũng như đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC trong phạm vi quản lý của mình.

Trong lĩnh vực PCCC, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở đã được luật hóa từ lâu. Luật PCCC năm 2001 quy định: “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chủ hộ gia đình là người chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động và thường xuyên kiểm tra PCCC trong phạm vi trách nhiệm của mình” và được cụ thể hóa trong nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, để nâng cao tính pháp lý trong việc quy định về trách nhiệm PCCC của người đứng đầu cơ sở, tại Khoản 2, Điều 1, Luật số 40/2013/QH13 “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC” (có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2014) đã quy định cụ thể, “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC; thành lập, duy trì hoạt động đội PCCC theo quy định của pháp luật;

2. Ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về PCCC;

3. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về PCCC;

4. Bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC, sử dụng kinh phí PCCC đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện PCCC; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về PCCC; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra;

5. Thực hiện nhiệm vụ khác về PCCC theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, đã có đầy đủ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và thực tiễn về trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ sở đối với hoạt động PCCC. Điều quan trọng là làm thế nào để trách nhiệm đó được thực hiện đầy đủ và cao nhất. Muốn làm được điều đó cần chú ý những vấn đề sau:

Trước hết, người đứng đầu cơ sở cần phải có nhận thức đúng, nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình đối với vấn đề PCCC. Cần xác định rõ: đây không chỉ là trách nhiệm của bản thân với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh… nơi mình quản lý, điều hành, nơi mình làm chủ mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội. Cụ thể hơn, phải nhận thức trách nhiệm này không chỉ gắn với kết quả, hiệu quả của các hoạt động về kinh tế, xã hội; với lợi nhuận trong sản xuất, kinh doanh mà còn gắn liền với lợi ích cá nhân của chính họ. Vì vậy, không thể phó mặc trách nhiệm này cho người thuộc quyền, cũng như không nên vì lợi ích trước mắt mà có thái độ đối phó, tổ chức hoạt động PCCC một cách hình thức, qua loa chiếu lệ.

Thứ hai, người đứng đầu cơ sở cần tích cực, chủ động tìm hiểu để nắm được những kiến thức cơ bản về pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ PCCC; đặc biệt là nội dung, cách thức tổ chức hoạt động PCCC tại chỗ trong phạm vi trách nhiệm của mình. Có như vậy thì mới làm đúng, làm đủ trách nhiệm của mình trước pháp luật.

Thứ ba, cần có chương trình, kế hoạch tổ chức thường xuyên, liên tục hoạt động PCCC, hoạch định kinh phí và đầu tư tương xứng cho hoạt động PCCC; xây dựng quy trình, quy chế, quy định cụ thể, rõ ràng làm căn cứ trong phân công, phân việc cũng như xử lý cá nhân, tổ chức khi thực hiện hoạt động PCCC (kể cả trách nhiệm trước pháp luật khi có hành vi vi phạm về PCCC hoặc khi xảy ra cháy, nổ).

Thứ tư, tổ chức và duy trì Ban Chỉ đạo PCCC, xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ đủ khả năng thực hiện tốt các hoạt động PCCC, hình thành bộ phận giúp việc đắc lực cho Người đứng đầu cơ sở trong việc tổ chức thực hiện hoạt động về PCCC. Chú trọng công tác động viên khen thưởng (cả về vật chất và tinh thần), xử lý gắn với việc thực hiện trách nhiệm của từng cá nhân được phân công trong hoạt động PCCC.

Thứ năm, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc và chỉ đạo hoạt động PCCC, bảo đảm cho hoạt động này được thực hiện liên tục và có hiệu quả, đúng định hướng. Quan tâm đến việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện hoạt động PCCC nhằm phát huy những mặt làm được; kịp thời khắc phục những thiếu sót, hạn chế phát sinh trong thực tiễn để có định hướng đúng đắn, sát hợp hơn trong giai đoạn tiếp theo.

Thứ sáu, thường xuyên phối hợp với cơ quan cảnh sát PCCC có thẩm quyền để được hướng dẫn về xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ; trang bị phương tiện, các điều kiện an toàn về PCCC cũng như các biện pháp, giải pháp PCCC phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh nơi mình phụ trách.

 

 Thượng tá VŨ THANH TÂM

 

 ( Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về PCCC&CNCH - Sở Cảnh sát PC&CC tỉnh Bình Dương)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên