Đấu tranh, ngăn chặn những thông tin xuyên tạc, bịa đặt

Cập nhật: 19-01-2015 | 08:57:04

Gần đây, trên các trang mạng xã hội có nhiều thông tin gây nhiễu loạn, bôi nhọ, nói xấu tổ chức, cá nhân hoặc xuyên tạc sự thật có dụng ý. Hành vi thiếu đạo đức này cần được loại trừ.

Các thông tin “đen” rất đa dạng, phức tạp. Trong giới trẻ, lợi dụng các trang mạng xã hội, facebook, do mâu thuẫn cá nhân đã nói xấu, nhục mạ lẫn nhau hoặc nói xấu cơ quan đơn vị công tác... Những việc làm trên không chỉ là thiếu văn minh, lịch sự mà còn tự hạ thấp đạo đức văn hóa của bản thân.

Đáng quan tâm hơn, có những tổ chức, cá nhân đưa những thông tin có tính chất vu khống, nói xấu người khác vì cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, nguy hiểm hơn là những thông tin có tính giật gân hoặc những thông tin nhạy cảm có thể gây ảnh hưởng đến kinh tế của quốc gia. Nguy hiểm hơn hết là các thế lực thù địch lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận người dân để nói xấu cán bộ lãnh đạo, nói xấu chế độ. Sắp đến đại hội Đảng các cấp, kẻ xấu có thể còn tung tin thất thiệt. Những cán bộ được dân tin yêu luôn là tầm ngắm của bọn xấu. Mục đích của chúng nhằm phá hoại về nhiều mặt, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Chuẩn mực đạo đức không cho phép mỗi người, cá nhân phát ngôn theo kiểu “đổi trắng thay đen”, bôi nhọ người khác. Kẻ xấu đã lợi dụng tính tích cực của internet là thông tin nhanh, lan tỏa rộng để tung tin xấu, tác động vào người đọc, nhất là giới trẻ. Vì thế, mỗi người dân khi tiếp cận thông tin cần biết sàng lọc, phân biệt đúng sai, loại bỏ những thông tin lệch lạc gây nhiễu loạn, tác động xấu cho xã hội. Cách an toàn nhất là chỉ đọc những trang mạng chính thống.

Về phía cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường thông tin tuyên truyền chính thống, có những thông tin phản hồi trước những luồng tin sai lệch. Lấy thông tin chính thống, để đấu tranh với những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật. Lấy cái đúng để loại trừ cái sai. Vì thế, những thông tin minh bạch, công khai sẽ góp phần làm lu mờ những thông tin sai trái. Đồng thời, tăng cường các diễn đàn để tạo cầu nối với nhân dân góp phần trong phản biện xã hội song song với việc nâng cao nhận thức của nhân dân.

Vai trò của các nhà mạng, các blog phát tán các thông tin “đen” cũng cần được xem xét xử lý, có chế tài thích đáng như tăng hình phạt đối với những thông tin bịa đặt, xuyên tạc có thể gây hậu quả đến an ninh, kinh tế đất nước.

Trước tình trạng phát tán những thông tin xuyên tạc, sai lệch, mới đây, Bộ Thông tin - truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 82 về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng. Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương vào giữa tháng 1-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chủ động cung cấp thông tin đúng đắn, chính xác, kịp thời và chủ động ngăn chặn những thông tin xấu. Thủ tướng cho rằng, “…chủ động cung cấp thông tin, nêu những điểm tốt, đúng đắn để phát huy, chỉ rõ hạn chế yếu kém, giải pháp khắc phục, đồng thời hạn chế thông tin không chính xác, không có lợi. Trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận, nhất trí chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…”.

VĂN HIỆP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên