Doanh nghiệp cần nâng chất để phát triển bền vững

Cập nhật: 04-08-2017 | 08:43:47

Trong 7 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 73.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 700.000 tỷ đồng, tăng 13,8% về số doanh nghiệp và tăng 39% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Tuy nhiên, trong 7 tháng qua, cả nước có gần 50.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Như vậy cứ hơn 3 doanh nghiệp thành lập mới thì lại có 2 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động. Đó là chưa kể số doanh nghiệp chỉ còn tồn tại trên giấy tờ, thường được ví von là “doanh nghiệp ma”.

Theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ này so với các nước là không quá cao, nhưng với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nơi cơ hội kinh doanh đang trong giai đoạn “nảy nở”, cho thấy sự phát triển số lượng doanh nghiệp có “chất” chưa thật bền vững. Vì vậy, bên cạnh những nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp, việc cần làm hiện nay là tự thân doanh nghiệp cần quan tâm nâng “chất” cho mình. Xét cho cùng, là phải giảm chi phí sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng tính cạnh canh nội địa và quốc tế.

Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực hiện thực hóa cam kết xây dựng “Chính phủ kiến tạo”. Tín hiệu mới nhất là ngay trước thềm Diễn đàn Kinh tế tư nhân, cuối tháng 7 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã phát đi công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương làm đầu mối tập hợp kết quả rà soát các giấy phép kinh doanh mới nhất và đề xuất sửa đổi các văn bản pháp luật cụ thể. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định thành lập tổ tư vấn kinh tế gồm 15 chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước.

Quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết loại bỏ các rào cản trong quy định của pháp luật, tạo động lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải tiếp tục nâng chất để phát triển bền vững.

Với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, nỗ lực của Chính phủ đã khẳng định quyết tâm là phải hành động nhằm thể chế hóa quan điểm về xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính, trong đó trọng tâm là gỡ bỏ các rào cản, hoàn thiện thể chế để giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước nhằm thực hiện được mục tiêu đề ra đến năm 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp.

NHẬT HUY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên