Doanh nghiệp thấp thỏm vì giá xăng, điện tăng

Cập nhật: 09-05-2019 | 09:33:53

Đó là tâm lý chung của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khi giá xăng tăng liên tục, cộng thêm giá điện cũng tăng...

Ông Vũ Quang Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Bình Dương, cho biết ngay từ đầu năm, đơn vị nhận định sẽ gặp không ít khó khăn trong năm 2019 do giá xăng dầu thế giới liên tục biến động. Tuy vậy, với việc giá xăng dầu tăng liên tục từ giữa tháng 3 đến nay khiến cho các doanh nghiệp vận tải lo lắng. Với đặc thù ngành vận tải, chi phí xăng dầu chiếm đến 30 - 40% chi phí đầu vào, việc giá xăng tăng mạnh sẽ đẩy giá mặt bằng đầu vào lên cao, trong khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Theo Hiệp hội Logistics Bình Dương, xăng dầu hiện chiếm khoảng 35% cơ cấu chi phí vận tải. Vì thế, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với giá xăng dầu thì chi phí vận tải cũng phải tăng thêm. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics gặp nhiều khó khăn hơn bởi chi phí logistics ở Việt Nam đang thuộc hàng cao nhất thế giới. Các doanh nghiệp vận tải, logistics tại Bình Dương vẫn đang theo dõi sự biến động giá xăng dầu để điều chỉnh hoạt động của đơn vị mình. Đại diện Công ty Cổ phần Phương Trinh cho biết đang cố gắng duy trì hoạt động bằng cách tiết giảm các chi phí, chưa đề nghị tăng giá cước. Nhưng nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng, công ty cũng phải tính đến việc tăng giá vé để bù đắp các chi phí đầu vào tăng.

Tương tự, các doanh nghiệp dệt may, da giày chịu tác động tương đối lớn khi giá điện tăng, bởi tiền điện thường chiếm từ 10 - 15% giá thành sản phẩm. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội da giày - túi xách Bình Dương, chia sẻ nhiều doanh nghiệp trong ngành rất lo khi giá điện tăng, vì kéo theo áp lực cân đối chi phí. Hiện nay, dù ngành dệt may đã áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm song do đặc thù sản xuất quy mô dây chuyền lớn, sử dụng nhiều máy móc và cần điện chiếu sáng phục vụ sản xuất nên việc gia tăng chi phí từ yếu tố giá điện là khó có thể bù đắp.

Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt, cho biết tiền điện chiếm 0,8 - 1% chi phí sản xuất của ngành gỗ. Với một doanh nghiệp có đến hàng ngàn lao động như Lâm Việt, việc tăng giá điện sẽ tạo ra không ít áp lực cho công ty, bởi đây đang là thời điểm đẩy mạnh sản xuất; chi phí phát sinh thêm từ giá điện tăng sẽ tăng thêm gánh nặng cho doanh nhiệp.

Theo ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty gốm sứ Phước Dũ Long, từ đầu năm đến nay chi phí điện, lương, xăng dầu của công ty tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Công ty đã làm việc với khách hàng đề nghị nâng giá thành sản phẩm lên 2% nhưng họ không đồng ý.

Trong khi chờ các giải pháp từ các bộ, ngành, hiện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thực hiện những giải pháp tình thế. Ông Liêm cho biết dù đang vào mùa cao điểm sản xuất nhưng Công ty Cổ phần gỗ Lâm Việt chưa vội tuyển thêm nhân sự; đồng thời siết chặt các khoản chi phí khác. Nhiều doanh nghiệp khác tận dụng triệt để nguồn nguyên vật liệu tái sử dụng để giảm bớt chi phí sản xuất…

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên