Đức có sâu rễ, nghề mới bền gốc

Cập nhật: 21-06-2017 | 09:45:22

Mặc dù bận rộn với chuỗi hoạt động kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2017), Hội Nhà báo tỉnh vẫn sắp xếp thời gian tổ chức hội nghị triển khai 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động quan trọng giúp đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà nắm rõ những quy định về đạo đức nghề nghiệp theo đúng tinh thần Chỉ thị số 120/CT-HNB ngày 10-4-2017 của Hội Nhà báo Việt Nam; hướng đến mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam dân chủ, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại, xứng đáng với truyền thống 92 năm xây dựng và trưởng thành.

 “Dân gian bách nghệ” và nghề nào cũng quý nếu người hành nghề tuân thủ đầy đủ các quy định nghề nghiệp và pháp luật. Quy định nghề nghiệp hay nói cách khác là đạo đức nghề nghiệp thì nghề nào cũng có. Đơn cử, thầy thuốc có lời thề Hipocrate - Quy ước đạo đức ngành y và 12 điều y đức, luật sư có Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư, nhà giáo có Quy định đạo đức nhà giáo, còn nhà báo thì có Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Quy định đạo đức nghề nghiệp là sự ràng buộc, giúp người hành nghề hướng đến mục tiêu vì con người, vì sự phát triển và tiến bộ của xã hội theo đúng các nguyên tắc vận hành xã hội và quy định của pháp luật.

Nghề nào cũng vậy, đức có sâu rễ thì nghề mới bền gốc. Nếu người hành nghề không tuân thủ các quy định đạo đức nghề nghiệp thì chắc chắn sẽ bị xã hội lên án và dần đi đến chỗ diệt vong, không thể theo nghề. Tuy nhiên, ở mỗi lĩnh vực khác nhau, nghề nghiệp khác nhau thì cái sai của người hành nghề cũng sẽ dẫn đến những hậu quả khác nhau. Nếu thầy thuốc làm sai có thể ảnh hưởng đến tính mạng của một con người, thì cái sai của nhà báo sẽ để lại những “di chứng” khó lường về mặt dư luận và tư tưởng xã hội. Với chức năng và vai trò của báo chí, nhà báo đơn thuần chỉ là “người kể chuyện” những điều đang xảy ra. Tuy nhiên, vai trò “người kể chuyện” trong một xã hội phát triển đòi hỏi những yêu cầu ngày càng cao. Đạo đức nghề nghiệp nhà báo tưởng chừng xưa cũ, nhưng ở mỗi thời kỳ lịch sử lại đặt ra những chuẩn mực mới.

Với sự ra đời của các “công cụ mở” và mọi người đều có thể “làm báo” như hiện nay, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của nhà báo càng phải được nâng lên. Với vị trí ở đầu nguồn tin tức, mọi thông tin mà nhà báo đưa tới bạn đọc không chỉ đòi hỏi nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đúng định hướng chính trị, mà còn phải gắn với tấm lòng người viết. Nếu không có một tấm lòng trong sáng thì thông tin mà nhà báo cung cấp cho bạn đọc có khi mang tính độc hại khó lường. Nhà báo không phải quan tòa, nhưng không ít vụ việc tiêu cực đã được nhà báo phanh phui nhờ biết vận dụng đúng các quy định nghề nghiệp với tấm lòng trung thực. Nhà báo không phải là nhà diễn thuyết, nhưng không ít vụ việc nhờ báo chí vào cuộc mà dư luận xã hội được tiếp diễn theo chiều hướng tích cực... Ấy là nhờ nhà báo biết lắng nghe và nói đúng sự thật.

Tấm lòng và sự thật làm nên sức sống lâu bền của một bài viết gắn với tên tuổi nhà báo. Bằng chứng là những bài báo có sức sống lâu bền đều là tâm huyết thấm đẫm tình người của những nhà báo biết tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Đức có sâu rễ, nghề mới bền gốc là vậy.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên