Đừng lơ là với cholesterol

Cập nhật: 02-10-2013 | 00:00:00

Cholesterol cao, gây rối loạn mỡ máu, làm các mạch máu bị tắc nghẽn dẫn đến những bệnh lý chết người như tim mạch, huyết áp, đột quỵ…

Một năm sau cái chết của đồng nghiệp, anh N.M.C (ngụ quận 10, TP HCM) vẫn không thể quên thời khắc người bạn anh gục xuống bàn ăn trưa. Dù được đưa ngay đến bệnh viện chuyên khoa cấp cứu nhưng sau 3 ngày, bạn anh C. đã ra đi vì đột quỵ khi tuổi đời mới 49.

 

Một bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM)

Bom nổ chậm!

Còn sự ra đi của chị N.N.C.S (35 tuổi), giảng viên của một trường đại học ở TP HCM đã để lại bao tiếc thương cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Sáng ngủ dậy, chuẩn bị đi làm, chị S. bỗng thấy choáng, đau đầu, than mệt, khó thở. Khi đưa vào bệnh viện thì đã quá muộn. Chị S. được chẩn đoán bị hẹp mạch vành.

Những cái chết bất ngờ sau một cơn nhồi máu, đột quỵ như các trường hợp trên không phải hiếm gặp trong đời sống hiện đại hôm nay. Bệnh có tỉ lệ tử vong cao, nếu cứu được thì di chứng để lại cũng nặng nề. Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam cho biết trong số 200.000 trường hợp bị đột quỵ ở nước ta mỗi năm, có trên 50% tử vong. Tỉ lệ tử vong của bệnh đột quỵ chỉ đứng hàng thứ 3 sau tai biến của tim mạch và ung thư.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những nguyên nhân gây xơ vữa, tắc mạch máu là do sự tiến triển âm thầm của rối loạn mỡ máu (cholesterol cao). Cơ thể con người không thể tồn tại nếu không có cholesterol nhưng sự gia tăng quá mức cholesterol là hiểm họa cho sức khỏe. Theo ThS-BS Phan Hữu Phước, Trưởng Khoa lão, Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP HCM), rối loạn mỡ máu là bệnh khá phổ biến hiện nay, là mối lo ngại của nhiều người béo phì nhưng thực tế nhiều người ốm vẫn bị. Nó là nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, xơ mỡ động mạch...

Theo GS-TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim Mạch Việt Nam, cholesterol cần thiết để tạo màng tế bào, cân bằng hormone trong cơ thể. Tuy nhiên, khi dư thừa cholesterol trong máu (lượng cholesterol cao hơn ngưỡng an toàn) thì rất nguy hiểm, đặc biệt là dư thừa cholesterol LDL-C (còn gọi là cholesterol xấu), gây ra bệnh lý về tim mạch.

Giống như việc tích tụ dầu mỡ trong ống dẫn nước, việc tích tụ cholesterol làm hẹp động mạch khiến máu đi qua khó khăn hơn, làm giảm lượng máu tới mô cơ thể, bao gồm cả tim. Bệnh không biểu hiện rõ rệt nên khó nhận biết, chỉ khi có biến chứng tim mạch hay khi xét nghiệm máu mới phát hiện. Do vậy, đa số người dân chủ quan không có biện pháp đối phó. “Nó giống như bom nổ chậm, khi phát nổ thì cuộc sống kể như chấm dứt” - một bác sĩ ví von.

Lỗi do lối sống

Trong khi đó, dịch tễ quốc gia ghi nhận số người có cholesterol cao tăng báo động. Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nước ta trung bình cứ 2 người ở khu vực thành thị có 1 người thừa cholesterol. Đây là một tỉ lệ đáng lo ngại. Bệnh không gây tác hại tức thời nhưng về lâu dài thì rất nguy hiểm và hầu như không điều trị được nên việc phòng ngừa và phát hiện sớm là rất quan trọng.

Các chuyên gia cho biết cholesterol do gan sản xuất ra và dung nạp qua chế độ ăn uống. Nguyên nhân làm hàm lượng cholesterol cao là do lối sống, thừa dinh dưỡng lại thiếu vận động, chế độ ăn uống mất cân bằng, không hợp lý, ăn quá nhiều chất đạm, béo nhưng lại thiếu hụt chất xơ và vitamin… Tuy nhiên, hàm lượng cholesterol cao đã là không tốt nhưng nếu cholesterol thấp cũng có thể gây hại. Ở người trưởng thành nên giữ mức cholesterol dưới 200 mg/dL. Còn cholesterol thấp dưới 160 mg/dL sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ. Tốt nhất phải biết kiểm soát cân bằng hàm lượng cholesterol.

Các bác sĩ cho rằng muốn bảo vệ tính mạng thì mỗi người phải biết tự cứu mình. Đó là thay đổi lối sống, cân bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý hằng ngày. Ngoài tăng cường tập luyện thể dục, thể thao để kiểm soát cân nặng, bỏ thói quen hút thuốc lá, cần phải xây dựng một chế độ ăn uống giúp giảm cholesterol dư thừa trong cơ thể. Việc sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp giảm cholesterol cũng là xu hướng mới. Điều trị không dùng thuốc nếu thực hiện tốt có thể giảm được 15%-20% cholesterol toàn phần.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, cho biết một chế độ dinh dưỡng hợp lý là cần tăng cường các loại rau xanh, trái cây trong khẩu phần ăn hằng ngày, ăn nhiều cá; giảm ăn đồ ngọt; hạn chế chất béo từ động vật, thực phẩm chiên xào và các thực phẩm chế biến sẵn...

Gần 30% dân số mắc phải

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nghiên cứu về tình trạng cholesterol cao ở người trưởng thành được thực hiện trong 3 năm gần đây trên 4.800 người, viện này xác định: Tỉ lệ người Việt Nam có cholesterol cao là 29,1% dân số, trong đó tỉ lệ này ở người dân thành thị lên tới 44,3%, lứa tuổi trung niên (35-44) là 41,7%, người cao tuổi tới 63,1%.

Theo nld.com.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=344
Quay lên trên