Giữ “tiếng thơm” cho bưởi Bạch Đằng

Cập nhật: 26-12-2018 | 09:43:46

Được sông Đồng Nai bồi đắp phù sa, bưởi Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên ) mỗi ngày thêm ngon ngọt, thanh tao. Xã Bạch Đằng nức tiếng với các giống bưởi như cam đường, bưởi da láng, bưởi ổi... được những người nông dân chắt chiu, lưu giữ cho hương bưởi vươn xa.

Đem hương bưởi vươn xa

Ba đời trồng bưởi, anh Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng, vẫn lưu giữ được trong vườn nhà các giống bưởi bản địa như bưởi da láng, bưởi ổi, bên cạnh giống bưởi lá cam năng suất cao... như nhắc nhớ ký ức về truyền thống trồng bưởi của gia đình. Như những người dân quê Bạch Đằng, điều mà anh Tâm luôn đau đáu trong lòng là làm sao cho những vườn bưởi của quê hương luôn tươi tốt, phát triển, được nhiều người biết đến. Đến tháng 10-2018, sau những tháng ngày trăn trở, anh Tâm đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng với mong muốn phát triển nghề truyền thống của gia đình, giữ vững chất lượng nhãn hiệu hàng hóa cho thương hiệu bưởi Bạch Đằng và cũng từ đó bưởi Bạch Đằng quê hương anh được nhiều người biết đến.

Nhiều người trồng bưởi ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên đang định hướng gắn kết phát triển du lịch sinh thái. Ảnh: Q.NHIÊN

Anh Tâm tâm tình, ông nội của anh - ông Lê Văn Hoàng (từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Sông Bé) là người dân xứ Cù lao Bạch Đằng, tâm huyết với nghề trồng bưởi. Ông đã sang Tân Triều (Đồng Nai) đem cây da láng đổi lấy 2 cây giống bưởi đường lá cam từ Tân Triều để đem về nhân giống nơi miệt cù lao này, để giờ đây giống bưởi này được nhiều nông dân trên địa bàn chọn trồng. Do hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên bưởi Bạch Đằng có tiếng thơm ngon, vị ngọt thanh chứ không ngọt mặn như bưởi vùng khác.

Anh Tâm cho rằng, không phải cứ bưởi ngon thì sẽ bán đắt, bán chạy, người nông dân sẽ giàu có. Anh muốn quảng bá, giới thiệu cho người tiêu dùng trong và ngoài nước biết rõ hơn về trái bưởi của quê hương mình. Vì vậy, khi nghe nơi đâu có hội chợ là anh lặn lội mang trái bưởi Bạch Đằng đến giới thiệu. Nhờ thế, đến nay đặc sản bưởi Bạch Đằng xuất hiện tại các hội chợ được tổ chức ở nhiều địa phương trong cả nước.

“Nhiều người địa phương khác rất ngạc nhiên bởi chất lượng và hương vị bưởi Bạch Đằng. Sau nhiều hội chợ quảng bá, bưởi Bạch Đằng hiện nay đã có mặt tại siêu thị Hapro (Hà Nội) và cả xuất khẩu”, anh Tâm phấn khởi nói.

Gắn kết du lịch

Hợp tác xã bưởi Bạch Đằng mới thành lập với 11 thành viên, đã và đang hướng đến kỹ thuật VietGAP và hữu cơ nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Điều mà anh trăn trở nhất hiện nay là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm để người dân Bạch Đằng không còn cảnh được mùa mất giá và phát triển bền vững nhờ cây bưởi. Một trong những giải pháp anh đang ấp ủ là sẽ kết hợp làm nghề trồng bưởi với kinh doanh du lịch sinh thái, phục vụ du khách các nơi đến tham qua, thưởng lãm.

Ông Dương Văn Minh, chủ vườn bưởi Hai Dương, xã Bạch Đằng, tâm sự là người con làng bưởi Bạch Đằng, ông bôn ba làm ăn bên Đồng Nai. Năm 2010, vợ chồng ông đã về đây chăm giữ vườn bưởi. “Ban đầu, tôi không biết gì về nghề trồng bưởi. Nhưng sau khi được cha tôi truyền kinh nghiệm trồng bưởi, tôi đã mày mò thêm kiến thức sinh lý cây trồng, nông hóa để bắt cây bưởi ra hoa, để cây cho thu hoạch trái vụ vào dịp lễ, tết, giúp cây sinh trưởng nhanh và chất lượng quả tốt, bán cũng được giá cao”, ông Minh kể.

Ông Minh cho biết thêm, sau nhiều năm nghiên cứu và hướng dẫn kỹ thuật, người trồng bưởi ở xã Bạch Đằng đã đạt kỹ thuật cho cây bưởi ra hoa và đạt độ chín trái bưởi vào đúng thời điểm tết như ý muốn nên giá trị kinh tế rất cao. Vào mùa tết, vườn bưởi cho gia đình ông thu nhập bình quân đến 400 triệu đồng/ha/năm.

Chị Ngô Thị Đẹp, người chế biến món ăn từ bưởi ngon nổi tiếng ở xã Bạch Đằng, cho biết chị luôn mày mò để đưa những món ăn có nguyên liệu từ bưởi Bạch Đằng vào cuộc sống. Bưởi ở đây được trồng rất bảo đảm nên việc chế biến những thức ăn từ vỏ bưởi chị rất yên tâm. Vỏ xanh của bưởi chị làm mứt, vỏ trắng chị nấu chè, làm chả giò, trà sữa, ruột bưởi chị làm bóp gỏi. Những ngày lễ, tết, người dân địa phương và vùng lân cận đặt hàng của chị rất nhiều nên thu nhập từ nghề này cũng khá ổn định.

Rời xã Bạch Đằng lúc chập choạng, khi ánh nắng bắt đầu ngả màu vàng vọt hắt qua bến sông ở Bạch Đằng, chúng tôi cảm thấy thán phục trước tình yêu cây bưởi của những người nông dân chất phác, hiền lành nơi đây. Hy vọng, những con đường nhỏ hẹp thơm lừng mùi hoa bưởi sẽ là điểm khởi đầu thuận lợi để đưa hương bưởi Bạch Đằng đi xa...

 Bà Võ Thị Bảo Xuyên, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết xác được giá trị của thương hiệu bưởi Bạch Đằng, những năm qua các ngành chức năng và địa phương tiếp tục có những hoạt động để xây dựng, củng cố và phát triển nhãn hiệu bưởi Bạch Đằng. Nhiều đề tài khoa học về nghiên cứu tuyển chọn giống bưởi có triển vọng và biện pháp thâm canh nâng cao hiệu quả vườn bưởi Bạch Đằng cũng đã được thực hiện. Thời gian qua, xã cũng tích cực thực hiện hỗ trợ các hộ dân theo Quyết định 63/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh để người nông dân được tập huấn, chuyển giao, khuyến cáo sử dụng giống cây ăn trái tốt, phương pháp canh tác tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đem lại hiệu quả cao hơn. Cùng với đó, TX.Tân Uyên đang phát triển du lịch sinh thái gắn với tham quan các vườn bưởi Bạch Đằng.

 

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên