Mùa hè - cẩn thận với bệnh đau mắt đỏ

Cập nhật: 18-06-2013 | 00:00:00

Bệnh viêm kết mạc mà chúng ta quen gọi là bệnh đau mắt đỏ (ĐMĐ) hay đỏ mắt theo mùa thường có chiều hướng tăng vào mùa hè và cao điểm khoảng tháng 7, 8. Cả người lớn, trẻ em đều dễ mắc bệnh và có khi bệnh trở nặng do “tự mua thuốc nhỏ mắt”…

Những ngày qua, số bệnh nhân (BN) ĐMĐ đến khám tại Khoa mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng nhiều hơn. Thực tế, số người mắc bệnh có thể cao hơn nữa do BN thường “coi thường” bệnh ĐMĐ nên tự đến nhà thuốc mua thuốc để chữa thay vì đến khám ở phòng mạch.

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, triệu chứng ban đầu, BN có cảm giác cộm, nóng rát mắt, cảm giác như có hạt cát trong mắt kèm theo là sợ ánh sáng, chảy nước mắt ở các mức độ khác nhau. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt rồi lây sang mắt thứ hai sau một vài ngày. Mi mắt có biểu hiện sưng nề, kết mạc cương tụ đỏ (mắt đỏ)… Bệnh ĐMĐ còn có thể có ghèn màu vàng hoặc vàng xanh. Nguyên nhân gây bệnh thường do bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên hoặc do tiếp xúc với người đau mắt. Vì vậy, ngoài biểu hiện viêm ở kết mạc, BN có thể viêm họng và nổi hạch trước tai. Bệnh thường xuất hiện vào thời gian mùa hè sau đợt mưa, lụt. Khi trời nắng ráo, đất cát khô, gió bụi bẩn, nguồn nước ô nhiễm là nguyên nhân của ĐMĐ. Bệnh có thể gây thành dịch trong một vùng dân cư rộng lớn, đặc biệt nơi tập trung đông người như khu tập thể, nhà trẻ, trường học.

Theo BS. Huỳnh Trần Dương Giang, Trưởng Khoa mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cần thận trọng với bệnh ĐMĐ trong mùa hè. Hạn chế đi bơi. Khi mắc bệnh, BN cố gắng tránh gió, bụi… Nên giữ vệ sinh mắt cẩn thận và ở trong nhà để không làm lây lan bệnh cho người xung quanh. Không nên dùng tay bẩn hoặc khăn bẩn lau dụi mắt. Cần giữ vệ sinh tay sạch sẽ bằng cách rửa xà phòng. Tránh tiếp xúc và không dùng chung đồ dùng: khăn, chậu với người ĐMĐ.

Cách điều trị là khi mắc bệnh, có thể chườm lạnh mắt 3 - 4 lần trong ngày, sát trùng nhẹ bằng nước muối 9%. Trường hợp khó chịu nhiều, cộm mắt, tra dung dịch kháng sinh như: Tobradex 1%; Maxitrol 1% từ 4 - 6 lần/ngày. BN khi ĐMĐ nên đến cơ sở điều trị chuyên khoa để được khám, tư vấn điều trị, không nên tự ý dùng thuốc. Thông thường, ĐMĐ có tiến triển lành tính, có thể khỏi trong một tuần. Nhưng bệnh cũng có thể diễn biến nặng gây tổn thương trên giác mạc, ảnh hưởng đến thị lực…

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên