Những cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Cập nhật: 23-08-2018 | 04:36:35

Sau khi rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, các cựu chiến binh (CCB) lại tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kinh doanh với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và góp phần phát triển quê hương Bình Dương văn minh, giàu đẹp.

 CCB Nguyễn Hữu Vận (bìa phải) hướng dẫn đồng đội tham quan vườn bưởi da xanh của mình. Ảnh: T.L

 Là người lính Cụ Hồ, trải qua đời binh nghiệp với quân hàm đại tá, suốt 32 năm hoạt động trong quân đội và 26 năm kể từ ngày nghỉ hưu, người thương binh 2/4 Đoàn Minh Chiến chưa bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi. Từ sau ngày đất nước hòa bình, ông về lại quê hương Chiến khu Đ khai hoang phục hóa, xây dựng và phát triển kinh tế trang trại, gieo lại mầm xanh để góp phần làm cho chiến khu xưa “nở hoa, kết trái”. Qua tìm tòi, ông chọn mô hình trang trại tổng hợp vườn, ao, chuồng, rừng để phát triển kinh tế. Dù trải qua nhiều khó khăn trong những ngày đầu lập nghiệp khi vùng đất chiến khu xưa bị bom, mìn cày phá, đất đai hoang hóa nhưng với quyết tâm gieo mầm xanh cho chiến khu, những đồi trọc dần được ông ươm mầm xanh tốt.

Nhờ quá trình lao động cần cù, ông Chiến đã xây dựng thành công trang trại tổng hợp ở 2 xã Tân Định và Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Với diện tích 54 ha, ông đầu tư cho cả trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, phần lớn diện tích đất dành cho trồng trọt. Hiện nay, ngoài 35 ha cao su đang khai thác mủ ổn định, ông còn đầu tư trồng bưởi da xanh không hạt trên diện tích 15 ha. Diện tích còn lại trồng măng cụt, đào ao nuôi cá và trồng rừng, tre điền trúc. Hiện ông đã có 7 ha bưởi da xanh cho thu hoạch, mỗi ha cho sản lượng 40 tấn, giá bán bình quân 50.000 đồng/kg, đạt doanh thu trên 12 tỷ đồng/năm, đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Ông Đoàn Minh Chiến, cho biết trong thời gian tới ông sẽ tập trung phát triển mô hình trang trại hữu cơ, trong đó chú trọng mở rộng mô hình trồng bưởi da xanh, một mô hình khá hiệu quả mà ông thu hoạch được thời gian qua.

Là người con của vùng đất Thanh Hóa, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 21 tuổi, ông Đỗ Văn Công thoát ly gia đình tham gia cách mạng. Được tin tưởng giao nhiệm vụ tình báo, sau đó về đơn vị đặc công, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành. Ngày ấy, với sức trẻ và tinh thần kháng chiến, ông có mặt khắp các chiến trường. Dù trải qua bao hiểm nguy trong thời “mưa bom bão đạn” nhưng ông cùng đồng đội quyết đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dẫu mang trong mình thương tật chiến tranh, là thương binh 4/4, nhưng với bản chất kiên cường của người lính, ông đã không ngại khó, ra sức xây dựng cuộc sống mới. Lập nghiệp trên quê hương Phú Giáo, Bình Dương, ông ra sức cải tạo đất hoang để trồng trọt. Mảnh đất hoang tàn với những dấu tích chiến tranh được vun xới trở thành mảnh đất màu mỡ cho cây trồng. Hiện nay, gia đình có hơn 10 ha cao su. Trong đó, có 4 ha đang khai thác, 3 ha chuẩn bị khai thác và 3 ha trồng mới. Trên diện tích 3 ha cao su trồng mới chưa phủ tàn, ông tận dụng trồng xen cây mì. Không chỉ trồng trọt, ông còn đầu tư chăn nuôi gà thả vườn, nuôi vịt, heo rừng và bồ câu. Hàng năm, ngoài nguồn thu nhập ổn định từ cao su hơn 400 triệu đồng, gia đình ông còn có nguồn thu 300 triệu đồng từ thu hoạch cây mì và hơn 200 triệu đồng từ chăn nuôi. Ý chí quyết tâm và cần cù lao động của người thương binh này đã đem lại thành quả cho cuộc sống gia đình ông ngày thêm khấm khá. Ông Đỗ Văn Công, cho biết trải qua nhiều khó khăn, vất vả mới có được cuộc sống ổn định hôm nay, ông rất thông cảm cho những cảnh đời kém may mắn, nên ngoài thực hiện tốt vai trò bí thư chi bộ ấp, ông đã có nhiều hoạt động xã hội đầy ý nghĩa như hỗ trợ cho người dân trên địa bàn về kỹ thuật, cây, con giống để phát triển chăn nuôi, trồng trọt; thường xuyên trích phần tiền hơn 30 triệu đồng mỗi năm để đóng góp vào các hoạt động xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa và thăm tặng quà cho các gia đình chính sách, người nghèo…

Còn tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo cũng có một điển hình tiêu biểu CCB sản xuất, kinh doanh giỏi là Nguyễn Hữu Vận. Ngoài diện tích 93 ha cao su đang khai thác và 33 ha trồng tái canh, ông còn đầu tư phát triển vườn bưởi da xanh không hạt với diện tích 13 ha. Trên toàn bộ diện tích trồng bưởi đều được đầu tư hệ thống tưới phun tự động để cung cấp đủ và đều nước cho cây trồng. Không chỉ sản xuất theo phương pháp hữu cơ, ông còn đầu tư vườn bưởi theo hình thức xen canh, nhưng cùng là xen canh cây bưởi. Tức là trong vườn bưởi, có những cây được xác định cho thu hoạch sớm bắt đầu từ năm thứ 2, thứ 3; khi cây cho trái mùa vụ đầu tiên, những cây bưởi xen canh chỉ để chiết cành cung ứng cây giống cho nông dân. Đối với những cây bưởi được xác định cho thu hoạch lâu dài, sẽ được bỏ trái vụ đầu mùa để dưỡng cây và sẽ thu hoạch trễ hơn từ sau 2 năm đến 3 năm. Bưởi trồng theo hình thức xen canh sẽ hạn chế được sâu bệnh, thuận tiện trong việc chăm sóc.

Ngoài những CCB tiêu biểu trên, tại Bình Dương cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình của CCB làm kinh tế giỏi. Với tinh thần và nghị lực của người lính Cụ Hồ, các CCB vẫn đang ngày đêm tích cực tham gia sản xuất, không chỉ làm giàu cho chính mình mà còn giúp đỡ đồng chí, đồng đội cùng nhau vươn lên, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

 T.LIÊM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên