Quân y Quân đoàn 4: Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe quân dân

Cập nhật: 14-04-2016 | 08:15:10

Hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Quân y Quân đoàn 4 đã có những đóng góp tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe của quân và dân. Thời gian qua, với những đầu tư mới về cơ sở vật chất và nhân lực, việc chăm sóc sức khỏe của cán bộ chiến sĩ và nhân dân ngày càng được nâng lên. Bệnh viện Quân đoàn 4 đang ngày càng có uy tín trong khu vực; góp phần xây dựng niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, nhất là xây dựng mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân dân, nêu cao hình ảnh đẹp về “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân.

 Thiếu tướng Võ Trọng Hệ trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong thực hiện nhiệm vụ và hoạt động phong trào

 Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 vừa tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Quân y Quân đội (16.4.1946 - 16.4.2016). Đến dự có Thủ trưởng Cục Quân y Bộ Quốc phòng, đại biểu Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, đại biểu Ban giám đốc các Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP.Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và các cựu chiến binh, nguyên là lãnh đạo, chỉ huy Phòng Quân y, Bệnh viện Quân y 4 qua các thời kỳ.

Ngành Quân y Quân đoàn 4 ra đời cùng với ngày thành lập và trưởng thành của Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long anh hùng. Hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Quân y Quân đoàn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn, hiệu quả công tác chăm sóc bảo đảm quân số khỏe cho Quân đoàn ngày càng được nâng lên. Trong thực hiện nhiệm vụ, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn luôn nâng cao sức mạnh tổng hợp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam và 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế cao cả tại Campuchia.

Đóng góp vào sự trưởng thành của ngành Quân y Quân đoàn, nhiều tập thể, cá nhân đã được khen thưởng xứng đáng. Tiêu biểu có Thiếu tướng Nguyễn Minh Chữ, nguyên Tư lệnh Quân đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND khi là còn là một y tá; Tiểu đoàn Quân y 31 Sư đoàn 309 được phong tặng danh hiệu Anh hùng năm 1988; tập thể phòng Quân y được tặng Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba (2 lần); đồng chí đại tá Đỗ Duy Tôn, nguyên Trưởng phòng Quân y, Giám đốc Bệnh Viện 4, hai lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công; đồng chí Nguyễn Văn Cúc, nguyên Trưởng ban Kế hoạch tổng hợp Phòng Quân y được tặng Huân chương Chiến công; 12 đồng chí được tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và nhiều tập thể, cá nhân khác của ngành Quân y được tặng thưởng các danh hiệu cao quý khác.

Những năm qua, trước yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ, ngành Quân y Quân đoàn đã thường xuyên đổi mới cách nghĩ, cách làm; đề xuất nhiều chủ trương biện pháp giúp Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân đoàn huy động được nhiều nguồn ngân sách, mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại; kết hợp tốt y học cổ truyền với những thành tựu mới của nền y học hiện đại, cả Đông y và Tây y. Đặc biệt 3 năm trở lại đây, Bệnh viện 4 và Bệnh xá Sư đoàn 9 đã có những đầu tư mới cả về cơ sở vật chất, con người. Từ đó, việc chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân ngày càng có chất lượng. Bệnh viện ngày càng có uy tín trong khu vực; góp phần xây dựng niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ an tâm công tác, nhất là trong xây dựng mối quan hệ đoàn kết máu thịt quân dân, nêu cao hình ảnh đẹp “Bộ đội Cụ Hồ ” trong lòng nhân dân.

Kỷ niệm 70 năm ngành Quân y Quân đội cũng là dịp để mỗi cán bộ ngành Quân y vinh dự, tự hào ôn lại truyền thống vẻ vang của mình. Thấm nhuần lời dạy của Bác “Lương y như từ mẫu, Thầy thuốc như mẹ hiền” và trước những yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ, ngành Quân y Quân đoàn luôn nỗ lực, cố gắng phát huy thành tích đã đạt được trong những năm qua, khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết một lòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

  Ngay sau khi được thành lập, ngành Quân y vừa tập trung xây dựng tổ chức lực lượng, vừa trực tiếp phục vụ chiến đấu, tổ chức các trường lớp đào tạo y tá, dược tá, bác sĩ quân y. Năm 1948 mở 2 trường quân y sĩ; năm 1950 mở trường dược sĩ và thành lập các cơ sở chế tạo dụng cụ y tế và sản xuất thuốc với hàng ngàn cán bộ ngành quân y đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, đã cứu chữa 10.130 thương binh với tổn thương phức tạp 4.200 bệnh binh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngành Quân y đã xây dựng được một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh từ cấp chiến lược đến cấp chiến thuật, tăng về số lượng mở trường, đào tạo cán bộ ngành y các cấp cho các quân khu, quân đoàn, binh chủng; với 49 viện quân y, 39 đội điều trị, 77 đội phẫu thuật lưu động, 67 bệnh xá, 6 đội vệ sinh phòng dịch… cung cấp hàng chục ngàn y tá, dược tá, dược sĩ, bác sĩ phục vụ cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

LÂM TUẤN ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên