Tiếp sức cho “đầu tàu” kinh tế

Cập nhật: 07-05-2019 | 08:30:40

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam được ví như “đầu tàu” kinh tế cả nước. Là 1 trong 4 trụ cột kinh tế vùng, thời gian qua Bình Dương đã có nhiều nỗ lực để vừa giữ vững mức tăng trưởng, vừa thu hút ngày càng nhiều các dự án trong và ngoài nước nhằm bảo đảm chất lượng tăng trưởng. Mặc dù là địa phương đứng trong top đầu cả nước về công nghiệp hóa, nhưng Bình Dương vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” cần tháo gỡ. Hội nghị phát triển Vùng KTTĐ phía Nam vừa diễn ra tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là động lực tiếp sức cho Bình Dương nói riêng và “đầu tàu” kinh tế cả nước nói chung tiếp tục phát triển.

Tính đến nay, Bình Dương đã thu hút được 36.379 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 296.989 tỷ đồng và 3.576 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 32,9 tỷ USD. Những con số nêu trên cho thấy Bình Dương đã và đang là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để thu hút đầu tư, thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã “đi trước đón đầu” bằng những dự án hạ tầng cụ thể. Hàng loạt các khu công nghiệp với cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đủ sức đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư được xây dựng và đưa vào hoạt động, trong đó có nhiều khu công nghiệp “kiểu mẫu” như VSIP I, VSIP II… Cùng với hạ tầng các khu công nghiệp, Bình Dương cũng đã dốc sức xây dựng đường sá giao thông, hạ tầng logistics và cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn, hiệu quả nhằm đáp ứng nhanh nhất nhu cầu của nhà đầu tư.

Hiệu quả đem lại từ quá trình công nghiệp hóa của Bình Dương là đô thị phát triển nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, tăng trưởng kinh tế năm sau luôn cao hơn năm trước và trở thành 1 trong 4 trụ cột của Vùng KTTĐ phía Nam. Hiệu quả đó còn là hình ảnh, là thương hiệu mang tên Bình Dương trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, cũng như các tỉnh, thành trong Vùng KTTĐ phía Nam, Bình Dương cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển. Bên cạnh khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, khó khăn của Bình Dương còn là trình độ quản lý, là cơ chế chính sách, là liên kết giữa các tỉnh, thành… Những khó khăn đó đã ít nhiều cản trở việc mời gọi các dự án có hàm lượng công nghệ cao, hạn chế mức tăng trưởng và làm chậm quá trình phát triển.

Thấu hiểu những khó khăn của các tỉnh, thành trong Vùng KTTĐ phía Nam, tại hội nghị vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu “không nói nhiều về thành tích mà đi thẳng vào yếu kém, bất cập, hạn chế” để Trung ương, Chính phủ, các bộ, ngành nắm được, từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của vùng. Từ sự khuyến khích của người đứng đầu Chính phủ, những khó khăn, vướng mắc và cả giải pháp để đẩy mạnh phát triển Vùng KTTĐ phía Nam đã được lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp đề đạt.

Hy vọng sau hội nghị này, những khó khăn, vướng mắc của Vùng KTTĐ phía Nam sẽ được Chính phủ và các bộ, ngành tháo gỡ, để Bình Dương và các tỉnh, thành trong Vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục phát triển, trở thành “đầu tàu” kinh tế của cả nước đúng như kỳ vọng của Chính phủ.

LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên