Mùa hè trẻ dễ mắc các bệnh tiêu chảy, sốt, đường hô hấp... "Mỗi ngày hiện có hàng trăm trẻ đến khám ở Bệnh viện Nhi trung ương vì các bệnh thông thường như tiêu chảy, sốt… Điều này cho thấy môi trường và cách chăm sóc của nhiều cha mẹ chưa thật đúng cách", bác sĩ Cấn Phú Nhuận, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết.
Theo bác sĩ Nhuận, năm nay tình hình dịch bệnh chưa có bùng phát lớn nhưng số lượng bệnh nhi gia tăng nhiều hơn so với các năm trước. Hô hấp và tiêu chảy là hai bệnh phổ biến quanh năm, giờ tính theo ngày chứ không hẳn theo mùa như trước nữa.
Đây là các bệnh có thể phòng tránh được nhưng chiều cha mẹ không để ý. Chẳng hạn với bệnh tiêu chảy, trước 5 tuổi, mỗi trẻ thường bị từ 3 đến 4 lần, thậm chí là 5 lần hoặc nhiều hơn, phụ thuộc vào môi trường và hoàn cảnh. Có nghiên cứu cho thấy trẻ ở thành phố thường bị tiêu chảy nhiều hơn trẻ ở nông thôn vì môi trường thành phố bẩn và ô nhiễm cũng như khả năng chống chọi bệnh tật kém hơn.
"Phần lớn các trẻ nhiễm bệnh là do mẹ không rửa tay sạch. Tiêu chảy là do nhiễm từ ngoài vào: mẹ cho con bú, mồ hôi ra bẩn quần áo, mẹ không rửa đầu ti, hay rửa tay không sạch, rửa không sạch các dụng cụ pha sữa... Hay khi cho con ăn mà không biết trẻ vừa nghịch bẩn cầm thìa bột cho vào miệng, vi khuẩn từ đó tấn công và bé sẽ tiêu chảy", bác sĩ Nhuận cho biết.
Khi trẻ bị tiêu chảy thì cha mẹ cần đến bệnh viện để xét nghiệm. Thế nhưng, nhiều khi phụ huynh lại tự mua thuốc, dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Thậm chí với bệnh này, quan trọng nhất là phải bù nước và dinh dưỡng, thế nhưng nhiều người lại bắt con kiêng cái này, cái kia.
Bác sĩ Nhuận cũng cho biết, việc điều trị sẽ rất tốn kém, mất thời gian, lại ảnh hưởng đến chỉ số phát triển của trẻ. Trẻ tiêu chảy nhiều sẽ hấp thu dinh dưỡng kém và không lớn được, ảnh hưởng đến chiều cao và thể trạng sau này.
Theo nghiên cứu, trẻ mắc các bệnh về tiêu chảy, thương hàn thường bị giảm chiều cao từ 3,6cm đến 8,2 cm lúc 7 tuổi so với trẻ ở độ tuổi tương tự. Dù được bổ sung dinh dưỡng đầy đủ thì trẻ bị tiêu chảy nhiều lần cũng thấp còi hơn các trẻ khác.
Vì thế, cha mẹ cần thay đổi nhận thức, chú ý đến việc phòng bệnh nhiều hơn là quá phụ thuộc vào thuốc khi có bệnh.
"Đơn giản như việc đi ra ngoài đường vào lúc trời lạnh hay nóng, người lớn thì nào là mũi, khẩu trang, kính, áo chống nắng... trong khi lại quên mất mình cũng cần phòng bị cho con như thế. Môi trường ô nhiễm, khói bụi... là những nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc bệnh", bác sĩ Nhuận nói.
Trong mùa hè, để phòng bệnh cho con, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh trong sinh hoạt ăn uống vui chơi. Tránh cho trẻ ra ngoài đường vào những lúc nóng đỉnh điểm nhất (khoảng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều). Khi trẻ đi ra ngoài cần phải được đội mũ rộng vành, mặc quần áo mỏng màu sáng để tránh giữ nhiệt. Đặc biệt, đảm bảo vệ sinh đôi bàn tay là cực kỳ quan trọng.
Bên cạnh đó, sử dụng điều hòa thiếu khoa học cũng khiến trẻ dễ mắc bệnh về đường hô hấp. Nhiều người để chênh lệch nhiệt độ giữa phòng lạnh và ngoài trời quá nhiều, nhất là khi nhiệt độ bên ngoài 35ºC trở lên khiến cơ thể trẻ khó thích nghi. Trẻ ở trong phòng điều hòa hơn 4 giờ liên tục thường bị khô da, khô họng. Nếu cho trẻ ra vào phòng lạnh đột ngột cũng khiến bé không kịp thích nghi nên dễ bệnh.
Mùa hè, trẻ ra nhiều mồ hôi hơn. Vì thế, cha mẹ cần chú ý để trẻ không bị lạnh. Mồ hôi đang nhiều thì không nên đi tắm ngay. Không cho trẻ ăn quá nhiều các đồ lạnh như nước đá, kem, trái cây trong tủ lạnh...
Theo Dân Trí