Ung thư vú - cần biết để chữa trị đúng cách

Cập nhật: 27-01-2013 | 00:00:00

(BDO) Ung thư vú (UTV) là nỗi ám ảnh của chị em khi thông tin về người thân, bạn bè mắc bệnh này ngày càng nhiều. Tuy nhiên, vẫn có nhiều bệnh nhân (BN) chưa hiểu đúng và tự đi… bó thuốc ở những ông thầy lang! Bệnh càng trở nên trầm trọng đến khi “trở tay không kịp”.

 Khám tầm soát ung thư vú BS.Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Bình Dương về căn bệnh UTV cho biết, UTV là một bệnh hay gặp chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu trong số các ung thư của nữ giới. Hiện nay, y học đã có nhiều tiến bộ trong nghiên cứu cơ chế sinh bệnh học UTV cũng như các biện pháp điều trị bệnh. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa các biện pháp điều trị tại chỗ, tại vùng bằng phẫu thuật, tia xạ với các phương pháp toàn thân bằng hóa chất, nội tiết và sinh học.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng UTV là tuổi càng cao nguy cơ càng tăng; trong gia đình có người bị UTV thì nguy cơ tăng gấp 3 - 5 lần bình thường, nhất là mẹ hoặc chị em; người béo phì; không cho con bú sữa mẹ, không sinh con hoặc có con đầu lòng quá muộn, hơn 30 tuổi; chu kỳ không rụng trứng; có tổn thương lành tính ở tuyến vú; bắt đầu dậy thì sớm nhỏ hơn 12 tuổi hoặc mãn kinh muộn trên 55 tuổi thì nguy cơ cao hơn 1,5 lần.

Dấu hiệu phát hiện bệnh rất khó vì khi có dấu hiệu nhận biết thì đã muộn. Giai đoạn sớm của UTV thường không có triệu chứng gì. Dấu hiệu sớm nhất là một bất thường trên nhũ ảnh trước khi BN sờ thấy. Khi UTV phát triển đến một mức độ nào có thể có dấu hiệu: Một khối không đau (hơn 10% bệnh nhân đau ngực nhưng không có bướu ở ngực). Thay đổi ở vú: dày da, sưng, da dễ bị kích thích và biến dạng. Thay đổi ở núm vú như: tiết dịch, đỏ, núm vú thụt vào, hoặc nhạy cảm đau.

Cách tầm soát bệnh: Khám phụ khoa, sức khỏe tổng quát định kỳ .Tự khám vú mỗi tháng, thời điểm khám là sau khi sạch kinh. Tư thế khám: có thể nằm, ngồi hay đứng. Khám dọc từ trên xuống hoặc dưới lên hoặc theo vòng tròn, tâm điểm là núm vú vòng ra ngoài. Khám vùng kế cận hõm xương đòn, 2 hố nách. Nên khám trước gương, có nguồn sáng tốt để đánh giá 2 bên bầu vú phát hiện các dấu hiệu bất thường. Chị em cũng nên đi chụp nhũ ảnh và giải quyết sớm các khối u ở vú nếu có.

Khi thực hiện tự khám vú mỗi tháng, hãy quan sát các dấu hiệu sau: Hiện tượng co rút: biểu hiện bằng vết lúm nhỏ ở bề mặt da do sự tăng sinh các xơ bào bên trong cấu trúc khối ung thư và cả mô xung quanh nó. Khi già, các xơ bào rút ngắn lại lôi kéo mô vú xung quanh về phía khối ung thư tạo thành vết lúm trên da hoặc làm đổi trục núm vú. Thậm chí kéo núm vú thụt vào trong nếu hệ thống ống dẫn sữa bị ảnh hưởng.

Hiện tượng co rút này thường rất kín đáo nên để dễ thấy hơn cần thực hiện thêm thao tác sau: Đưa 2 tay lên cao: cơ ngực được nâng lên vùng có ung thư không được kéo lên bình thường như bên còn lại và dễ thấy bất cân xứng hoặc vết lúm hơn. Chồm người tới trước: khi ngồi chồm người tới trước, 2 tay duỗi thắng ra trước, mặt ngẩng lên 2 vú sẽ rơi thòng xuống khỏi ngực, nếu bên có ung thư sẽ bị dãi xơ dính khối u vào thành ngực, vú sẽ không buông xuống tự do được, quan sát sẽ thấy bất cân xứng. Vết lỡ ở núm vú: không chỉ ung thư mới có, có thể do viêm nhiễm hoặc bị chàm. Tuy nhiên, khi có vết lỡ núm vú thường có tỷ lệ ung thư cao nên đi khám để sinh thiết nếu cần. Tiết dịch: có thể là tình trạng viêm nhiễm hay một tiết dịch sinh lý. Nếu dịch có màu giống sữa, đục như mủ, loãng, màu vàng hay nâu đỏ hay máu nên đi khám để điều trị kịp thời.

Q.Như (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên