Bấp bênh một mùa hoa tết

Cập nhật: 08-12-2012 | 00:00:00

 “Đánh bạc” với ông trời

Nông nghiệp vốn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Cả năm “hơn thua” ở mùa vụ này càng khiến vai trò của khí hậu trở nên vô cùng quan trọng đối với người nông dân trồng hoa. Những ngày này, ở điểm trồng hoa xã An Sơn (TX.Thuận An) không khí khá nhộn nhịp, bà con đang thực hiện các công việc như đúc chậu, ươm cây, ủ phân, chuẩn bị mặt bằng để chăm sóc cho hoa. Thông thường, thời điểm xuống giống bắt đầu từ rằm tháng 10 âm lịch. Tuy nhiên, tùy loại hoa mà thời điểm xuống giống sớm, muộn khác nhau.    Ông Lê Văn Đạt (Chủ nhiệm CLB Trang trại Hoa lan Bình Dương, phường Định Hòa, TP.TDM) cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết nên vườn lan kiểng của ông trổ bông ít hơn mọi năm

Tại đây, nghề trồng hoa đã có từ lâu, tuy diện tích không nhiều nhưng là nơi cung cấp hoa khá lớn cho những ngày lễ, ngày tết. Những cây trồng chính là bông mào gà, vạn thọ, hướng dương… với gần 20 nhà vườn. Trao đổi với chị Nguyễn Giang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã An Sơn, được biết: “Năm trước, có hộ trồng nhiều lắm, đủ các giống. Đến giáp tết, số chậu hoa nhà vườn trồng khách đã đặt hết, giao tiền đầy đủ, chậu hoa cũng sẵn sàng, vậy mà ngày 28 tết trời đổ mưa to, vậy là ngập luôn toàn bộ số chậu hoa và coi như… mất trắng. Năm nay, hộ đó bỏ luôn, không trồng nữa…”.

Chúng tôi về thăm vườn mai của anh Trương Vĩnh Thọ (ấp Phú Hưng, xã An Sơn) với cả ngàn gốc mai phục vụ tết. Ở xã này, hộ anh Thọ trồng mai lớn nhất với khoảng chục năm kinh nghiệm, số lượng ước gần 1.500 chậu. Vụ mai vừa rồi, thời tiết mưa nắng bất thường, mai đang hé nụ chờ đón xuân thì mưa, khiến mai nở rộ trước tết. Năm nay cũng không ngoại lệ. Mới tháng 10 âm lịch mà 50% số cây đã trổ hoa. Anh Nguyễn Văn Kim, thợ trồng mai kiểng cho gia đình anh Thọ cho biết: “Mai là loại hoa nhạy cảm. Với thời tiết mưa lớn, rồi nắng to như vừa qua, mai sẽ nở bông sớm. Một khi mai đã xé nụ thì không có cách nào để hãm lại. Vườn mai này đầu tư khá lớn. Bình quân mỗi gốc mai có giá khoảng 500 ngàn đồng, những gốc mai đẹp có thể lên đến tiền triệu. Do đó bao nhiêu công sức bỏ ra để bán vào một dịp tết không khó bị thất thu, tiếc lắm!”.

Tới vườn lan trồng theo hệ thống phun sương của ông Lê Văn Đạt, Chủ tịch Câu lạc bộ Trang trại Hoa lan Bình Dương, nghe ông chia sẻ: “Năm nay, thời tiết không ủng hộ nhà vườn, mưa bão những tháng trước làm ánh sáng cung cấp cho cây không đủ khiến hoa ra chậm và ít”. Ông Đạt cũng cho biết, thời điểm này năm trước đã có rất nhiều khách tới vườn lựa, đánh dấu và đặt cọc mua nhưng năm nay đa số họ chỉ dặn… “chơi chơi”, chưa thấy ai đặt cọc hết! Còn các thành viên trong CLB, mỗi người có chừng 50 - 100 cây mai cũng đang “rên” vì bông đã trổ hết.

Đúng là “đánh bạc với ông trời”, khi mùa vụ của người nông dân hơn thua là ở thời tiết. Đó là còn chưa kể đến việc vay vốn ngân hàng để đầu tư, nguyên liệu đầu vào tăng, nhưng dự báo sức mua của thị trường xuân Quý Tỵ 2013 có thể yếu khiến người nông dân trồng hoa thêm nặng gánh lo toan.

Dự báo thị trường ế ẩm!

Hiện, các tỉnh miền Tây cũng đang điêu đứng với hoa tết vì mai trổ sớm, cây bệnh, sức mua yếu. Trong khi đó, khảo sát các vườn mai, vườn lan… tại Bình Dương cũng đang rơi vào tình trạng không mấy khả quan. Đó là lý do vì sao thị trường hoa tết năm nay dự báo sẽ èo uột hơn trước.

Khác với các loại cây trồng khác, lan kiểng thuộc dòng hoa cao cấp, được ưa chuộng nên nhu cầu tiêu thụ cao. Tại vườn của ông Đạt, số lượng hoa bán ra thị trường không đủ nhu cầu nên giá cả nhìn chung tăng. Chủ nhiệm CLB lan kiểng cho biết: “Giá một cành Mokara tăng khoảng 1.000 đồng. Trung bình giá tăng 50.000 đồng/cây. Do ảnh hưởng thời tiết nên hoa không đủ bán ra thị trường, các tiệm “than” hoài mà cũng đâu đủ hàng”. Còn đối với vườn hoa mai: “Nếu năm ngoái tôi đưa ra thị trường chừng 100 gốc mai thì năm nay số lượng đó rút lại chừng 20 gốc mà còn chưa biết ai sẽ là người sở hữu số cây ít ỏi đó ”, ông Nguyễn Văn Kim (An Sơn, TX.Thuận An) thổ lộ.

Không bị “méo mặt” khi đánh vật với những chậu hoa đắt tiền, với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng hoa tết, hộ ông Nguyễn Văn Tân (ấp 6, xã Tân An, TP.Thủ Dầu Một) lại khá yên tâm với dòng hoa “bình dân” như sống đời, mào gà, hướng dương… Với khoảng 1.000 chậu hoa các loại, trung bình ông thu lời 50 triệu đồng/vụ. “Khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là ở tâm lý của người dân khi chờ đợi đến cận ngày 29, 30 âm lịch mới mua hoa để được giá rẻ. Trong khi đó, giá vật tư cao mà chất lượng chưa chắc đã chuẩn vì mua phải phân không bảo đảm. Nông dân chủ yếu bỏ công làm lời chứ nếu thuê mướn nữa thì thua…” - ông Tân trăn trở.

Các khó khăn của thời tiết, nguyên liệu đầu vào… thêm vào đó là diễn tiến một năm đầy khó khăn của nền kinh tế, đa phần người dân lo “cơm ăn, áo mặc” hơn là nghĩ đến… chơi hoa. Do vậy, nhiều hộ nông dân trồng hoa đang phải đối mặt với một mùa hoa khá bấp bênh do nhiều yếu tố. Trao đổi với nhiều người trồng hoa, họ vẫn mong sao những dự báo thị trường hoa tết ế ẩm sẽ không là hiện thực. Có như vậy những vườn hoa tết mới tiếp tục khoe sắc và mang xuân đến với cả người trồng hoa cũng như người thưởng thức hoa!

LÊ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên