Bệnh phát triển khi các ống dẫn mồ hôi bị nghẽn và mồ hôi bị ứ đọng lại dưới da gây ngứa ngáy, bứt rứt khó chịu cho trẻ. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi nhưng một số trường hợp bị nặng cần phải điều trị.
Theo BS. Lê Văn Quý, Bệnh viện Quốc tế Đồng Nai, ngoài những cách tắm nước lá thuốc dân gian, có thể dùng sữa tắm “chuyên trị” bệnh rôm sảy ở nhà thuốc cho bé được thoải mái hơn. Các loại sữa tắm có pH5 có thể dùng tắm toàn thân hàng ngày bằng cách thoa sữa tắm lên đầu, da để sau khoảng một phút rồi tắm lại bằng nước sạch. Cho trẻ được tắm rửa sạch sẽ ít nhất mỗi ngày một lần. Khi trẻ có mồ hôi, cần dùng khăn sạch lau khô ngay. Mẹo vặt của một số bà mẹ là vắt thêm 1 trái chanh hay đun nước lá sài đất vào nước tắm của trẻ để tránh rôm sảy.
Ngoài ra, để giảm bệnh rôm sảy, hạn chế tối đa không để cho bé tiếp xúc với ánh nắng vào thời điểm từ 10 giờ sáng tới 14 giờ. Đây là khoảng thời gian các tia UVA và UVB từ mặt trời hoạt động mạnh nhất, rất dễ khiến cho da bé bị nắng, ra nhiều mồ hôi, thậm chí bị bỏng rát.
Nên cho bé mặc quần áo bằng loại vải mềm, nhẹ, có thể hút ẩm, tốt nhất là vải cotton. Cho trẻ uống đủ nước, có thể uống nước sắn dây, nước sài đất, đậu đen, quả cam, chanh… và hạn chế các loại nước có nhiều đường. Phụ huynh cần tránh dùng các loại phấn, kem hay pommmade khi con bị rôm sảy vì chẳng những không có tác dụng phòng ngừa rôm sảy mà còn có thể làm bít lỗ thông của các ống tuyến mồ hôi. Về dinh dưỡng nên cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và vitamine…
HƯƠNG CẦN