Bình Dương: Năng động, sáng tạo trong công tác lao động và người có công

Cập nhật: 28-02-2014 | 00:00:00

 Thực hiện tốt an sinh xã hội, lao động việc làm

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết năm 2013, Bình Dương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhờ vậy, đời sống các hộ gia đình chính sách bằng hoặc cao hơn mức sống bình quân chung của tỉnh. Nhiều nguồn lực xã hội đã tham gia công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm. Bình Dương không còn hộ nghèo theo tiêu chí Trung ương và đã ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh giai đoạn 2014-2015.

    Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền phát biểu tại buổi làm việc

Về việc làm - dạy nghề, tổng số LĐ có việc làm năm 2013 là 849.281 người và số LĐ được tạo việc làm 46.000 người. Nhu cầu LĐ của Bình Dương trong những năm qua là rất lớn, vì vậy ở Bình Dương không có tình trạng LĐ thiếu việc làm và số LĐ bị mất việc làm trong các doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, thay đổi cơ cấu đều dễ dàng tìm kiếm được việc làm mới. Năm qua, Bình Dương cũng đã tổ chức 50 lớp dạy nghề cho LĐ nông thôn với 1.462 học viên theo học, đạt 103,3% kế hoạch, bao gồm các lớp nhóm nghề nông nghiệp, nhóm nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ LĐ qua đào tạo chiếm 66%, trong đó 46% LĐ qua đào tạo nghề.

Thực hiện chính sách ưu đãi NCC, toàn tỉnh hiện đang quản lý 47.828 hồ sơ đối tượng NCC, trong đó 9.088 đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng của Nhà nước. Hàng năm, Bình Dương đã trích ngân sách để thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 và Tết Nguyên đán. Từ năm 1997- 2013, toàn tỉnh đã xây dựng và trao tặng cho NCC 3.632 căn nhà tình nghĩa, trị giá 74,545 tỷ đồng; sửa chữa 1.671 căn nhà tình nghĩa 16,348 tỷ đồng và tặng 3.847 sổ tiết kiệm trên 1,5 tỷ đồng; đồng thời vận động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trên 25 tỷ đồng. Các tổ chức, DN nhận phụng dưỡng và đỡ đầu cho 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, các thương bệnh binh nặng, các gia đình liệt sĩ gặp khó khăn.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh vàngành LĐ-TB&XH tỉnh đã kiến nghị với Bộ LĐ-TB&XH nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực việc làm, dạy nghề, giảm nghèo, chính sách NCC, như cần có phối hợp các bộ, ngành hướng dẫn tháo gỡ hồ sơ tồn đọng đối với NCC; Bộ LĐ-TB&XH vàTổng cục Dạy nghềquan tâm tăng cường đầu tư cho Bình Dương theo Chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghềvàviệc làm vàChương trình mục tiêu quốc gia đổi mới vàphát triển dạy nghề, xem xét và xây dựng chương trình hỗ trợ học nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động (NLĐ) bị mất việc làm trong các DN có chủ bỏ trốn, các DN giải thể, DN thu hẹp sản xuất, không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp…

Quan tâm xây nhà trẻ, nhà ở xã hội cho NLĐ

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá cao những nỗ lực, sự năng động và sáng tạo của Bình Dương trong việc thực hiện công tác LĐ, giải quyết chính sách cho NCC và biểu dương toàn thể cán bộ, công chức, viên chức vàNLĐ trong ngành LĐ-TB&XH ở Bình Dương làm tốt nhiệm vụ của ngành.

Trao đổi với chúng tôi (P.V), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng mặc dù chịu tác động, sức ép rất lớn trong bối cảnh kinh tế - xã hội chung của cả nước, nhưng các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch trong lĩnh vực LĐ, NCC và xã hội ở Bình Dương thực hiện đều đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bởi đây là một yêu cầu cấp bách. Bộ trưởng đề nghị cùng với việc sử dụng cơ sở dạy nghề đã có, Bình Dương cần rà soát lại để tiếp tục quy hoạch phát triển lĩnh vực dạy nghề, trong đó tăng cường đầu tư các thiết bị dạy nghề, giáo viên dạy nghề để Bình Dương có đội ngũ LĐ chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu của DN, nhất là DN đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng mong muốn Bình Dương dần thay thế LĐ kỹ thuật nước ngoài đang làm việc tại các DN ở Bình Dương bằng lực lượng LĐ tại chỗ thông qua kênh đào tạo nghề của địa phương.

Về chính sách chăm lo cho NLĐ, Bộ trưởng lưu ý NLĐ không chỉ quan tâm về thu nhập và các chế độ phúc lợi khác mà còn lo nhà ở, trường học cho con em công nhân. Bộ trưởng đề nghị Bình Dương tiếp tục thực hiện xã hội hóa về nhà ở cho NLĐ. Bộ trưởng đánh giá cao về chương trình đào tạo nghề cho LĐ nông thôn ở Bình Dương vì tỉnh đã chọn đúng nghề đào tạo phù hợp với thực tế ở địa phương như cạo mủ cao su, chăm sóc cây kiểng… Về các kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng ghi nhận và sẽ chỉ đạo các Cục, Vụ quan tâm giải quyết. Những kiến nghị liên quan đến Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có hướng đề xuất báo cáo Chính phủ xem xét giải quyết phù hợp.

 VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên