Đó là một trong những nhận xét của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đến thăm và làm việc tại 3 đơn vị y tế ở Bình Dương…
Từ thực trạng của các đơn vị y tế…
Đoàn công tác Bộ Y tế do Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Y tế, như: Tổ chức cán bộ, Kế hoạch tài chính, Bảo hiểm y tế, Sức khỏe bà mẹ trẻ em và các Cục Quản lý khám chữa bệnh, Y dược cổ truyền, Y tế dự phòng… đã đến thăm và làm việc tại Bình Dương vào ngày 23-9.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (bìa phải) thăm hỏi bệnh nhân tại khoa Cấp cứu, BV Đa khoa tỉnh
Đơn vị đầu tiên đoàn đến thăm là Trung tâm Y tế TX.Thuận An. Báo cáo với đoàn công tác, bác sĩ (BS) Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) TX.Thuận An, cho biết TTYT Thuận An thành lập từ tháng 1-2013 trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị: TTYT, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) và Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Cơ cấu tổ chức, gồm: Ban giám đốc, 5 phòng chức năng, 18 khoa và 6 phòng khám đa khoa khu vực, 4 trạm y tế xã, phường. Tổng số cán bộ viên chức hiện có là 414 người. Bệnh viện (BV) thuộc TTYT được xếp hạng III, với 322 giường bệnh; trong đó có 200 giường tại BV và 122 giường của tuyến xã, phường. Kể từ khi sáp nhập, TTYT Thuận An đã thực hiện tốt việc khám chữa bệnh, cũng như các chương trình y tế quốc gia, như tiêm chủng mở rộng, phòng chống bệnh sốt xuất huyết, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Tại BV Đa khoa tỉnh, BS Văn Quang Tân, Giám đốc BV cũng đã báo cáo về cơ cấu tổ chức, hiện trạng cơ sở vật chất, kết quả khám chữa bệnh từ đầu năm đến nay. Theo đó, BV hiện có 983 cán bộ công nhân viên chức, trong đó có 183 BS. BV được xếp hạng II. Số giường thực kê của BV hiện là 1.123 giường (kế hoạch là 1.000 giường); công suất sử dụng giường bệnh đạt hơn 104%, so với kế hoạch đạt 110%. Tổng số lần khám bệnh trong 9 tháng đầu năm 2013 là 426.779 lượt, tổng số bệnh nhân điều trị nội trú là 55.930 người, tổng số khám bệnh BHYT là 262.558 lượt… Báo cáo với đoàn công tác, BS Văn Quang Tân còn cho biết về những khó khăn, bất cập mà BV đang gặp phải, đặc biệt là tình trạng quá tải ở các khoa thường xuyên xảy ra. Cụ thể, vào ngày 23-9 (ngày mà đoàn đến làm việc), BV có 1.314 bệnh nhân nội trú, riêng khoa Nhi có 220 trẻ... Theo BS Văn Quang Tân, để có đủ nhân lực phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của người dân, cần giải quyết được vấn đề nhân sự cho BV. Riêng số lượng BS phải bổ sung thêm là 84 người mới cơ bản đáp ứng đủ. Hiện nay, cơ sở vật chất của BV cũng đã xuống cấp và chật hẹp nên không thuận tiện cho người đến KCB. Chỉ tính riêng bệnh nhân BHYT đăng ký KCB ban đầu tại BV hiện có hơn 54.000 thẻ, đòi hỏi phải tăng cường thêm đội ngũ y, BS để bảo đảm công tác khám và điều trị cho bệnh nhân…
Cùng ngày, đoàn cũng đã đến thăm và làm việc tại Phòng khám đa khoa khu vực Thuận Giao (TX.Thuận An) để ghi nhận những hoạt động y tế của đơn vị này.
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra quy trình hướng dẫn bệnh nhân tại TTYT TX.Thuận An
Đến sự cần thiết nâng cao chất lượng KCB
Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế kiến nghị: Về đào tạo nhân lực y tế, đề nghị Bộ Y tế ưu tiên tăng chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ cho ngành y tế tỉnh Bình Dương, phân bổ hàng năm 30 - 40 chỉ tiêu để nhanh chóng đáp ứng nhân lực có trình độ đại học (BS, dược sĩ) đang khá bất cập, bức xúc vì Bình Dương là tỉnh công nghiệp, tăng dân số cơ học nhanh, nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động của ngành y tế. Về trang thiết bị y tế, Bộ Y tế ban hành danh mục trang thiết bị các BV chuyên khoa và các chuyên ngành y tế để tỉnh có cơ sở đầu tư; quy định tiêu chuẩn, bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị; cho chỉ tiêu biên chế cán bộ quản lý trang thiết bị y tế và quản lý môi trường y tế tại các đơn vị. Vì nguồn nhân lực cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nguồn lực tài chính là 3 nguồn lực quan trọng nhất trong hoạt động y tế…
Thay mặt đoàn công tác, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự cố gắng của lãnh đạo, nhân viên tại các đơn vị y tế mà đoàn đến làm việc, cũng như ghi nhận việc khắc phục hạn chế về nhân lực, chuyên môn, cơ sở vật chất để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bộ trưởng cũng nhắc nhở các BV về rút ngắn thời gian chờ đợi KCB, nhận thuốc BHYT của bệnh nhân; đồng thời nâng cao chuyên môn ở các khoa theo thế mạnh để thu hút bệnh nhân đến KCB, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.
Qua khảo sát tình hình thực tế, đoàn cũng đã nhận ra nhu cầu KCB của người dân Bình Dương, đặc biệt là lực lượng lao động ngoài tỉnh ngày càng cao, nên thường xảy ra tình trạng quá tải ở các BV. Trước tình hình đó, Bộ trưởng tiếp tục nhắc nhở các đơn vị y tế cần tập trung nâng cao chất lượng KCB, lấy người bệnh làm trung tâm, đáp ứng sự hài lòng của bệnh nhân; cải tiến quy trình KCB, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh. Cụ thể, đối với BV Đa khoa tỉnh nên bố trí thêm nhân viên hướng dẫn, phân loại bệnh nhân từ đầu, có biểu đồ, bảng điện tử hướng dẫn và thay đổi lề lối làm việc… để kịp thời hướng dẫn cho bệnh nhân khi họ đến BV. Để giảm tải cho BV tuyến tỉnh, cần tăng cường BV tuyến huyện và tuyến xã, phường. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, BV của Bình Dương hiện vẫn ở “top” dưới trong khu vực, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa bảo đảm. Do đó, cần thiết phải nâng chất lượng KCB, nâng BV Đa khoa tỉnh lên hạng I mới đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Song song đó, các cơ sở y tế công lập cần khắc phục khó khăn, nâng cao tính cạnh tranh. Ngành y tế tỉnh cần quy hoạch mạng lưới nhân sự và xây dựng cơ chế tài chính hợp lý hơn; xây dựng đề án phát triển nhân lực toàn diện để có đủ nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của ngành y tế trong thời gian tới. Tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng các BV chuyên khoa sâu, như: sản - nhi, ung bướu, lao - tâm thần… Trong xây dựng mới, nên tính đến quy mô giường để cân đối nguồn nhân lực; quan tâm đến chương trình tiêm chủng mở rộng, khống chế dịch bệnh, vấn đề an toàn thực phẩm, xem lại tính hiệu quả của mô hình phòng khám đa khoa khu vực…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của đoàn công tác Bộ Y tế. Ông cũng công nhận y tế là một trong những ngành phát triển còn chậm so với sự phát triển chung của tỉnh. Để phát triển ngành y tế, lãnh đạo tỉnh sẵn sàng hỗ trợ kinh phí, đào tạo nguồn nhân lực (trong và ngoài nước), đầu tư nhiều hơn nữa cho y tế chất lượng cao. Chủ trương của tỉnh, cho dù y tế tư nhân có phát triển đến đâu thì BV công vẫn là nơi đáp ứng nhu cầu KCB chính của người dân…
Sau khi tìm hiểu người bệnh đến khám bệnh tại BV Đa khoa tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói rằng, để bệnh nhân chờ lấy thuốc bảo hiểm hơn 1 tiếng, chờ khám bệnh hơn 2 tiếng là không được. Những hạn chế của các đơn vị y tế mà bà nhận thấy là nhân lực, chuyên môn và quy tắc ứng xử. Cần đặt thêm bàn khám, mở thêm cửa phát thuốc, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân đóng viện phí. Bình Dương là tỉnh có thu nhập cao, có nhiều khu công nghiệp, công nhân lao động đông, thêm vào đó là các chuyên gia nước ngoài đến sinh sống và làm việc, nên phải phát triển y tế đúng với nhu cầu người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Một số vụ tai biến gần đây cũng nên chấn chỉnh, tiếp tục xây dựng lòng tin cho người bệnh; quyết tâm đưa BV Đa khoa tỉnh lên hạng I để xứng tầm với một tỉnh đang phát triển mạnh về công nghiệp.
Q.NHƯ – H.THUẬN