Nhằm hỗ trợ các trường trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã thí điểm xây dựng và triển khai hệ thống giáo dục trực tuyến (E-Learning) tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương có cuộc trao đổi với ông Võ Đông Duy, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB&XH.
- Xin ông cho biết giáo dục trực tuyến là gì? Việc sử dụng giáo dục trực tuyến vào đào tạo nghề đem lại những lợi ích gì cho học sinh, sinh viên (HSSV)?
- Những năm gần đây, sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin nói chung và internet nói riêng đã mang lại những thay đổi đáng kể cho cuộc sống của nhân loại. Tận dụng môi trường internet, xu hướng phát triển các phần mềm hiện nay là xây dựng các ứng dụng có khả năng chia sẻ cao, vận hành không phụ thuộc vào vị trí địa lý cũng như hệ điều hành, tạo điều kiện cho mọi người có thể trao đổi, tìm kiếm thông tin, học tập một cách dễ dàng, thuận lợi. Giáo dục trực tuyến (hay còn gọi là E-Learning) là một trong những mô hình điển hình như thế. E-Learning là một loại hình đào tạo mới rất phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, nhất là chúng ta đang hội nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cung ứng lao động có tay nghề để vận hành Thành phố thông minh Bình Dương trong tương lai.
Học sinh - sinh viên tham gia hội thảo “Công nghệ gia công cơ khí chính xác” do trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương tổ chức. Ảnh: T.VY
Với phần mềm được cài sẵn, chỉ cần một thiết bị có kết nối internet, mất vài phút đăng nhập là HSSV có thể truy cập các bài giảng vừa được học trên lớp. Phương thức học tập trực tuyến không chỉ cung cấp kiến thức theo yêu cầu thông tin, đáp ứng nhanh chóng mà còn giúp người học nâng cao khả năng tự học và tự khám phá.
Việc sử dụng các tài liệu dạng số được lưu trữ trên hệ thống sẽ giúp giảm đáng kể một lượng chi phí cho việc in ấn các tài liệu, giáo trình. Với hệ thống lưu trữ các bài giảng, HSSV có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi và chủ động sắp xếp thời gian học linh hoạt theo thời gian biểu cá nhân để có thể nắm vững bài giảng và thực hành ngay sau đó.
- Thưa ông, Bình Dương đang triển khai giáo dục trực tuyến ở những trường nào?
- Sở LĐ-TB&XH đã lựa chọn thí điểm xây dựng và triển khai hệ thống giáo dục trực tuyến cho hai trường: Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương (nghề Quản trị mạng máy tính) và Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An chọn nghề Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm). Các trường sẽ lựa chọn 1 ngành nghề phù hợp để thí điểm triển khai hệ thống giáo dục trực tuyến.
Trong tháng 6-2019, hai trường này đã được tập huấn cách vận hành hệ thống. Các trường sẽ lựa chọn ngành nghề phù hợp, ưu tiên ngành kỹ thuật để thử nghiệm hệ thống giáo dục trực tuyến, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ đưa vào thử nghiệm. Hệ thống có các chức năng: Quản lý nội dung học tập; quản lý người dùng; lưu trữ khóa học; phân phối khóa học; kiểm tra sát hạch đánh giá; chức năng báo cáo; quy trình đào tạo tự động…
Các ngành nghề được lựa chọn thí điểm hệ thống giáo dục trực tuyến sẽ cử cán bộ, giáo viên quay lại các bài giảng, hướng dẫn thực hành trên lớp bằng camera, smartphone. Sau đó, những bài giảng này sẽ được biên tập và đưa lên hệ thống lưu trữ. HSSV có thể truy cập để xem lại các bài giảng này. Giáo viên còn có thể upload thêm những bài giảng bằng Powerpoint, các tài liệu giảng dạy lên hệ thống để HSSV có thể xem trực tiếp hoặc tải về xem thay vì in ra giấy hoặc gửi email như trước đây.
- Khi triển khai hệ thống giáo dục trực tuyến, HSSV không cần đến lớp vẫn có thể học tại nhà đúng không, thưa ông?
- Không! Hiện nay Bình Dương áp dụng hệ thống giáo dục trực tuyến chỉ lưu lại những bài giảng, các bài hướng dẫn thực hành để giúp HSSV sau khi kết thúc tiết học có thể xem lại tại nhà, đặc biệt là những bài thực hành chứ không phải theo các hình thức đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa (ở nhà học thay vì phải đến lớp). Trước đây, trong quá trình học các em không tập trung chú ý hoặc ngại hỏi lại giáo viên khi không hiểu bài, không nắm vững các bước thực hành thì nay đã có bài giảng, hướng dẫn thực hành đã được lưu lại trên hệ thống, HSSV có thể tự nghiên cứu. Đồng thời, giáo viên có thể giao các bài tập, hướng dẫn thực hành để HSSV có thể tự làm ngoài thời gian học trên lớp. Ngoài ra, giáo viên có thể triển khai các nội dung để khảo sát, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HSSV.
Áp dụng hệ thống giáo dục trực tuyến vào công tác đào tạo nhưng các trường vẫn sẽ thực hiện theo đúng nội quy trước đây là đào tạo chú trọng về thực hành, rèn luyện kỹ năng tay nghề thao tác trực tiếp trên máy và có điểm danh HSSV tham gia lớp học. HSSV đi học đều mới đủ điều kiện thi hết môn, đủ điều kiện thi tốt nghiệp.
- Xin cảm ơn ông!
THIÊN LÝ (thực hiện)