Cần có giải pháp tổng thể để “giải cứu” giá heo hơi

Cập nhật: 03-05-2017 | 08:21:08

Giá heo hơi vẫn không chút khởi sắc sau thời gian dài tuột dốc, song giá thịt heo bán trên thị trường vẫn neo với giá cao gấp 4 - 6 lần thịt heo hơi. Nguyên nhân chủ yếu là do việc bán lẻ thịt heo phải qua nhiều khâu trung gian. Qua mỗi khâu người ta lại nâng lên 1 - 2 giá và thay đổi theo mức mà các thương lái, người bán tự thỏa thuận. Nhưng nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến những khó khăn trong tiêu thụ của ngành chăn nuôi heo thời gian qua là do nông dân tăng đàn để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bất chấp các cảnh báo rủi ro. Khi phía Trung Quốc siết chặt nhập khẩu, trong đó có heo từ Việt Nam, ngay lập tức lượng heo xuất khẩu bị ảnh hưởng, làm nguồn cung vượt cầu trong nước, từ đó gây sức ép lên giá thịt heo hơi.

Một điều đáng lo ngại nữa là khi thịt heo trong nước không có người mua thì hàng năm Việt Nam vẫn nhập khẩu 30.000 đến 40.000 tấn thịt heo các loại. Việc nhập khẩu thịt heo chẳng khác nào giáng thêm một “cú đá bồi” đối với người chăn nuôi heo vốn đang chới với.

Vì vậy việc tìm các giải pháp trước mắt và lâu dài để tháo gỡ đầu ra và giải bài toán heo hơi rớt giá thê thảm là việc làm cấp bách. Khi hàng ngàn hộ dân điêu đứng vì giá heo hơi giảm, lượng thịt heo tồn không có đầu ra thì đây không còn là vấn đề riêng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nữa mà cần có sự chung tay của các bộ, ngành liên quan, các địa phương.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản số 597/TTg-NN yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, trong đó có thịt heo. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt heo trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm của ngành chăn nuôi heo.

Về giải pháp lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương tiếp tục có các giải pháp tổng thể, lâu dài để hướng dẫn các địa phương phát triển chăn nuôi có hiệu quả, bền vững. Trong đó, xây dựng, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; mở rộng thị trường xuất khẩu; giảm quy mô đàn heo; tổ chức lại sản xuất chăn nuôi heo theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ…

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên