Cần quan tâm tới sức khỏe tâm thần…

Cập nhật: 15-10-2013 | 00:00:00

Khoa Tâm thần kinh (chuyên khoa về 2 bệnh: tâm thần, thần kinh) tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh ngày càng có nhiều bệnh nhân (BN) được giới thiệu đến khám và điều trị. Theo khuyến cáo của bác sĩ (BS), cần quan tâm nhiều hơn nữa cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người hiểu hơn về sức khỏe tâm thần…

Ghi nhận từ phòng khám

Nếu như trước đây, số BN đến khám ở khoa Tâm thần kinh của BVĐK tỉnh thưa thớt thì nay ngày càng nhiều hơn. Giải thích cho điều này, BS Phạm Đăng Cửu, Trưởng khoa Tâm thần kinh BVĐK tỉnh cho biết: “Tỷ lệ bệnh rối loạn tâm thần gần đây gia tăng do liên quan đến stress, bị áp lực do công việc, học hành… Tỷ lệ BN mắc bệnh loạn thần do rượu, ma túy cũng tăng lên. Hiện tại, khoa nhận khám ngoại trú hàng chục BN/ngày và nội trú dao động từ 25 - 38 BN đang được điều trị tại đây”.

BS Phạm Đăng Cửu đang khám bệnh tại Khoa Tâm thần kinh BVĐK tỉnhTại phòng khám, chị H., công nhân cạo mủ cao su nhà ở Tân Uyên, có thâm niên hơn 20 năm trong nghề đến khám với vẻ e dè. Chị cho biết gần đây bị mất ngủ kéo dài, trong đầu nghe như có ai đó nói điều gì và “luôn cảm thấy lo âu, bản thân thấy có lỗi”… Chị được BS khám, hướng dẫn cách điều trị cũng như cải thiện nếp sống để bệnh đỡ hơn. Cạnh đó, bà L. nhà ở Long Tân, Dầu Tiếng đã 80 tuổi được con trai và con dâu đưa đi khám. Bà cụ nhìn thẫn thờ, chậm chạp. Thế nhưng con dâu cụ nói: “Khi… lên cơn, mẹ chồng tôi dữ lắm. Chửi hết con cháu trong nhà, chửi luôn cả hàng xóm”. Chị cho biết thêm, có thể mẹ tôi bệnh do buồn con cái không chịu làm lại kiếm chuyện gây gổ, đánh đập nhau nên. Càng ngày càng lo lắng vì con cái nên bệnh nặng hơn… Trong khu nội trú, BN có vẻ nặng hơn. Có người ảo tưởng mình là… chim, có thể bay được! Có người la hét với những đòi hỏi vô cớ… như đòi làm “đứng” mặt trời!

Nên được khám và điều trị sớm, đúng chuyên khoa

Trao đổi với chúng tôi, BS Phạm Đăng Cửu, cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần, thần kinh như stress, rối loạn lo âu, trầm cảm… Stress có từ mức độ nhẹ đến nặng, kéo dài sau sang chấn như ly hôn, gia đình có người mất, làm ăn thất bại... Khi bị stress nhẹ, kể cả nặng, mà chúng ta vượt qua được, chúng ta sẽ cứng cáp, can đảm hơn trong cuộc sống. Khi stress nặng hoặc xảy ra nhiều lần mà chúng ta không vượt qua được thì rất dễ dẫn đến các phản ứng trầm cảm trong thời gian ngắn, phản ứng trầm cảm kéo dài hay vừa lo âu vừa trầm cảm… Rối loạn lo âu là dạng bệnh gặp nhiều nhất trong nhóm bệnh suy nhược thần kinh. Bệnh nhân tự nhiên có cảm giác lo sợ mà không có nguyên nhân rõ ràng. Thực tế là số người đi khám BS vì lo âu ngày một gia tăng. Tuy nhiên không phải ai cũng đi đúng chuyên khoa tâm thần. Chúng ta nên nhớ thần kinh và tâm thần là hai chuyên khoa hoàn toàn khác nhau.

Một triệu chứng dễ thấy nữa là hồi hộp, đánh trống ngực (lo vô cớ) nên số lượng bệnh nhân đi khám bác sĩ tim mạch cũng nhiều và đôi khi được chẩn đoán là rối loạn thần kinh tim hoặc rối loạn chức năng thần kinh tim. Chỉ đến khi các triệu chứng trên kéo dài và chưa được dùng đúng thuốc chuyên khoa nên bệnh không giảm, thì lúc này mới đi khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Ngoài ra, bệnh do trầm cảm được biểu hiện bằng các triệu chứng: buồn chán, không còn quan tâm hứng thú, mất ngủ, bứt rứt hoặc chậm rề rà, thiếu hụt năng lượng để làm việc, cảm thấy vô dụng, có lỗi và hay nghĩ tới cái chết… Trầm cảm có thể biểu hiện triệu chứng ở từng lúc hay thời gian khác nhau, hoặc sau một giai đoạn rối loạn tâm thần khác. Có người chỉ xuất hiện một cơn trầm cảm, mức độ có cả nặng và trung bình. Cơn trầm cảm nặng có tiêu chuẩn chẩn đoán rất rõ ràng và có cả nguy cơ tự tử…

Cũng theo khuyến cáo của BS Phạm Đăng Cửu, khi phát hiện người nhà hay bản thân mình có những triệu chứng của bệnh tâm thần, thần kinh như mất ngủ, lo lắng thái quá, nghe có tiếng nói trong đầu hay một bộ phận nào đó của cơ thể… cần được khám và điều trị kịp thời, đúng chuyên khoa. Không nên trị theo kiểu mê tín dị đoan, kiểu đi “trục ma” vì bị ma nhập, ma làm… càng khiến bệnh nặng hơn. Một điều cực kỳ quan trọng là tăng cường công tác truyền thông, thông tin về bệnh này để mọi người hiểu đúng. Sức khỏe tâm thần cũng là một khoa khám sức khỏe bình thường, cần thiết và không nên có thái độ e ngại, mặc cảm gì khi khám, điều trị ở khoa này. Một khuyến cáo nữa của BS là chúng ta nên có cuộc sống lành mạnh, suy nghĩ mọi chuyện theo hướng tích cực, sinh hoạt điều độ, rèn luyện thể thao… để tránh các nguyên nhân dẫn đến các “nhịp cầu” bắc qua bệnh tâm thần như stress, trầm cảm…

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên