Chăm lo giáo dục, bảo vệ trẻ em- trách nhiệm của toàn xã hội

Cập nhật: 01-06-2017 | 08:02:41

Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.

Chăm lo, giáo dục, bảo vệ trẻ em là thực hiện sự nghiệp trồng người như lời Bác dặn. Đảng và Nhà nước ta đã sớm cam kết với cộng đồng quốc tế thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về quyền trẻ em. Chính vì vậy, dù trong hoàn cảnh nào, trẻ em vẫn được hưởng sự phát triển về giáo dục, chăm lo, quan tâm cải thiện đời sống, vật chất, tinh thần...

 Môi trường giáo dục cụ thể là gia đình - nhà trường - xã hội là đề cao trách nhiệm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em hiện nay đang có nhiều vấn đề bất cập, vì còn nhiều trẻ em đang phải chịu vất vả kiếm sống, vẫn còn trẻ em bỏ học, trẻ bị suy dinh dưỡng… Có một thực trạng đáng buồn là tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bị bóc lột sức lao động, bị lôi kéo vào những vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội. Vì vậy, để giảm bớt những khó khăn, tạo điều kiện để trẻ em vươn lên trong học tập, công tác, từ nhiều năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều chủ trương, chính sách tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Song song đó, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã có nhiều phong trào thiết thực chăm lo cho trẻ em. Các cơ quan pháp luật đã quan tâm, tập trung xử lý các vụ xâm hại trẻ em, lên án những việc làm, những hành động thô bạo với trẻ em. Bên cạnh đó, Tháng hành động vì trẻ em hàng năm đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tích cực triển khai và hành động hiệu quả với tinh thần và ý thức trách nhiệm với thế hệ tương lai.

Từ ngày 1-6-2017, Luật Trẻ em 2016 được Quốc hội khóa XIII thông qua sẽ chính thức có hiệu lực. Luật Trẻ em đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới, ghi nhận đầy đủ các quyền của trẻ em và tiếp cận trên quyền của trẻ em. Luật Trẻ em đã quy định rõ trẻ em là người dưới 16 tuổi, được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em như quyền sống; quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, không bị bóc lột sức lao động, không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, không bị mua, bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội…

Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và Tháng hành động vì trẻ em năm 2017, thiết nghĩ các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể hãy có nhiều hành động thiết thực chăm lo giáo dục, bảo vệ trẻ em. Đây là nhiệm vụ quan trọng cần làm thường xuyên, kiên trì, bởi vì chăm lo, bảo vệ chăm sóc, giáo dục những chủ nhân tương lai của đất nước chính là bảo vệ cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mỗi gia đình và toàn xã hội.

 

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết
Tags
trẻ em

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên