Cháy mãi niềm tin công lý

Cập nhật: 10-08-2019 | 08:09:46

58 năm kể từ ngày thảm họa da cam trút xuống những cánh rừng nhiệt đới Việt Nam, tội ác này bị nhân loại toàn cầu lên án nhưng lương tri những người chủ của các công ty hóa chất Mỹ vẫn chưa chịu thức tỉnh. Họ - những doanh nghiệp sản xuất và cung cấp thứ chất độc chết người này vẫn cứ phớt lờ trách nhiệm đối với nạn nhân da cam Việt Nam.

Không cần phải nhắc lại, không cần phải minh chứng bởi di chứng khủng khiếp của chất độc da cam để lại mà nạn nhân Việt Nam nhận lấy, chịu đựng đã quá rõ ràng, cả thế giới biết đến.

 Tội ác đó không chỉ người Việt Nam lên án, nhân loại nguyền rủa mà ngay chính những cựu quân nhân Mỹ - những người trực tiếp gây nên thảm họa da cam - khi trở lại thăm chiến trường xưa, gặp những nạn nhân da cam đã cúi đầu xin lỗi trước hậu quả khó lường mà chính họ, dù muốn dù không cũng có một phần trách nhiệm.

Ngọn lửa đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam từ nhiều năm qua vẫn tiếp tục được thắp lên. Các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/ Dioxin Việt Nam liên tục phát đi tiếng nói của mình để bảo vệ quyền lợi nạn nhân da cam. Tiếng nói đòi công lý đó còn được sự ủng hộ mạnh mẽ của số đông người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Tiếng nói đó đã và đang thức tỉnh lương tri nhân loại.

Năm 2009, Tòa án công luận quốc tế vì nạn nhân da cam Việt Nam được tổ chức tại Paris (Pháp). Bà Trần Tố Nga, một Việt kiều Pháp, nguyên phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng, một nạn nhân da cam đã mang đến tòa án câu chuyện bi kịch của chính mình, đồng đội, đồng bào mình. Câu chuyện của bà Trần Tố Nga với sự tiếp sức từ luật sư người Pháp William Bourbon đã xúc tiến vụ kiện 26 công ty hóa chất Mỹ được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí đã từng nói : “Tôi mong muốn Mỹ và các tập đoàn này phải có trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam, khắc phục những gì họ đã gây ra. Qua vụ kiện này cũng muốn nói với thế giới phải đấu tranh để không còn chiến tranh, không còn vũ khí hủy diệt hàng loạt, không còn tội ác da cam. Chất độc da cam hủy diệt môi trường và hủy diệt con người, cái tàn ác nhất chính là hủy diệt con người”.

Tiếc thay, những con người sản xuất, cung cấp, sử dụng loại chất độc hủy diệt này lại chưa chịu nhận lấy tội lỗi, trách nhiệm về mình. Người khởi xướng, triệu triệu trái tim đồng hành, ngọn lửa đấu tranh vẫn tiếp tục để công lý phải thực thi.

 CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=623
Quay lên trên