Chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng và phương tiện để ứng phó bão Tembin

Cập nhật: 23-12-2017 | 19:06:14

 

Tàu thuyền đánh bắt thủy sản vào tránh bão Tembin tại cửa biển Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. (Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN)

Chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng và phương tiện để chủ động ứng phó hiệu quả, kịp thời với bão Tembin, tránh tư tưởng chủ quan, kiên quyết di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão Tembin với các tỉnh từ Quảng Nam đến Cà Mau, sáng 23/12 tại Hà Nội.

Để chủ động ứng phó với bão Tembin, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo nhanh, kịp thời phục vụ sự chỉ đạo, thông tin đối với Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ huy các tỉnh, thành phố ảnh hưởng bởi bão Tembin; chú trọng phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền các thông tin về bão đến các cấp chính quyền và người dân; trong đó cần quan tâm đến nhân dân sinh sống ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

"Tăng cường cập nhật thông tin, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền; quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; huy động tối đa các lực lượng để kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu tại bến, khu vực neo đậu quanh các đảo, khu vực lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Đặc biệt chú ý đến các các tàu vãng lai," Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, rà soát các phương tiện đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là khu vực dân cư trên đảo, ven biển đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường, khu vực nhà dân thô sơ không đủ sức chống chịu với sức gió của bão; kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, các trọng điểm sạt lở xung yếu, các công trình đang thi công, chống ngập đô thị do ảnh hưởng của nước dâng, triều cường và gió mạnh; kiểm tra, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng, hệ thống lưới điện, thông tin, cơ sở dịch vụ du lịch, chặt tỉa cành cây... để đảm bảo an toàn.

Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ thực hiện công tác chỉ đạo, phối hợp trong công tác ứng phó với bão.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chuẩn bị lực lượng, phương tiện phối hợp với các địa phương trong công tác cứu hộ, cứu nạn đảm bảo kịp thời. Bộ Công an thực hiện tốt việc đảm bảo trật tự an toàn trước, trong và sau bão. Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị giúp đỡ các ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão và đảm bảo an toàn. Riêng đối với các huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Ủy ban Nhân dân các tỉnh cần rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch và tàu thuyền. Tùy theo diễn biến của bão, các địa phương chủ động cấm biển.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí nhất là các đài phường, xã tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão để người dân, tổ chức biết chủ động phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại.

Ngay sau cuộc họp này, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ phân công các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai các đoàn công tác đến địa bàn xung yếu để kiểm tra, rà soát phương án ứng phó với bão theo phương châm "4 tại chỗ;" đặc biệt cần tăng cường công tác thông tin truyền thông ứng phó với bão, trong đó sẵn sàng phương án nhắn tin đến cộng đồng về diễn biến của bão và nước biển dâng. Tổng cục phòng chống thiên tai tổng hợp báo cáo về bão Tembin để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có sự chị đạo kịp thời.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão xem xét hoãn các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung lực lượng ứng phó với bão.

"Đây là khu ít khi bị ảnh hưởng bởi bão, nên kinh nghiệm ứng phó hạn chế và còn tư tưởng chủ quan của một số chính quyền cơ sở, cộng đồng trong ứng phó với bão và có thể lặp lại kịch bản thiệt hại như ở Khánh Hòa trong cơn bão số 12. Trong đó điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng về tránh trú tàu thuyền, đê biển, nhà ở tàu thuyền, tập quán sinh sống, sản xuất, kinh nghiệm phòng tránh, đặc biệt gồm rất nhiều đảo... đều gặp rất nhiều bất lợi khi bão đổ bộ." Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ lợi, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài lưu ý.

Theo ông Trần Quang Hoài, đây là khu vực nhiều tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt nhiều tàu nhỏ hoạt động ven bờ có chất lượng không bảo đảm an toàn (riêng từ ngày 21-22/12 đã có chín vụ tai nạn, sự cố tàu thuyền trên biển). Tổng số tàu thuyền các tỉnh từ Quảng Nam đến Cà Mau-Kiên Giang là 67.507 tàu.

Bên cạnh đó, đây là thời kỳ vụ cá Bắc nên nhiều tàu thuyền đang hoạt động khai thác. Ngoài ra, đây cũng là khu vực tàu thuyền vào tránh trú cơn bão số 15 (có cấp gió không mạnh) nên các tàu mang tâm lý mong muốn được sản xuất dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.

Hiện có 29 điểm sạt lở khu dân cư tập trung ven biển với chiều dài 121km, đặc biệt một số khu vực nguy hiểm như Cửa Đại (Quảng Nam); Xóm Rớ (Phú Yên); Liên Hương, La Gi (Bình Thuận); Gò Công Đông (Tiền Giang); Ba Tri (Bến Tre); Vĩnh Châu (Sóc Trăng); Hiệp Thạnh (Trà Vinh); Gành Hào, Nhà Mát (Bạc Liêu); bờ biển Đông, bờ biển Tây (Cà Mau); An Biên (Kiên Giang)...

Các tuyến đê biển từ Quảng Ngãi đến Cà Mau với chiều dài 993,4km, mới chỉ được thiết kế đảm bảo an toàn với bão cấp 9, triều 5%.

Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 23/12, Bộ Tư lệnh Biên phòng đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 68.999 phương tiện/339.839 người biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới và bão Tembin.

"Tỉnh đã thực hiện lệnh cấm biển từ 15 giờ ngày 22/12; thực hiện việc phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy xuống các địa phương để chỉ đạo, đồng thời đã chủ động có phương án thực hiện sơ tán dân, di dân ra khỏi những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc cho hay.

Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố đã họp và phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của Thành phố. Hiện tại, Thành phố chuẩn bị mọi lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng cứu với các tình huống do bão gây ra.

Các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau... cũng đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để ứng phó với bão Tembin./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1129
Quay lên trên