Theo chân đoàn khảo sát về tình hình và kết quả thực hiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn tỉnh, điều mà mọi người luôn quan tâm là trong khi các cơ sở y tế tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải thì các cơ sở y tế xã, phường vắng bóng bệnh nhân (BN). Điều này gây lãng phí rất nhiều bởi các cơ sở y tế xã, phường đã được trang bị cơ sở vật chất khá tốt nhưng hiệu quả hoạt động chưa được như mong muốn...
Bà Mai Thị Dung (bìa phải) đang giám sát tại Trạm Y tế thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo. Ảnh: Q.NHƯ
Vắng bệnh nhân
Đến Phòng khám Đa khoa khu vực Phước Hòa, huyện Phú Giáo, theo ghi nhận của chúng tôi, cơ sở nơi đây được xây dựng khá khang trang gồm một trệt, một lầu và có phòng, khoa đầy đủ nhưng vẫn vắng BN. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ba, Trưởng phòng khám Đa khoa khu vực Phước Hòa, cho biết phòng khám có các khoa như răng hàm mặt, xét nghiệm, X.quang, khám phụ khoa, tư vấn… Mỗi ngày, phòng khám tiếp nhận khoảng vài chục người đến khám, chủ yếu điều trị ngoại trú.
Bệnh nhân khám bệnh tại Trạm Y tế xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên.
Ảnh: Q.NHƯ
Tại các trạm y tế (TYT) ở xã An Bình, Vĩnh Hòa (Phú Giáo), nơi đây cũng chỉ đông khi đến đợt tiêm vắc-xin cho trẻ, ngày bình thường không có mấy BN đến khám tại trạm. BN BHYT đến khám và nhận thuốc, chủ yếu là các bệnh thông thường, hầu như không có BN lưu trú. Số lượng bà mẹ khám thai tại trạm cũng khá “khiêm tốn”. “Có còn sản phụ nào đến trạm y tế xã sinh con không?”, bà Mai Thị Dung, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát hỏi. Trả lời câu hỏi, cán bộ ở TYT xã đều “lắc đầu”: “Lâu lắm rồi không còn thai phụ đến TYT để vượt cạn”. Theo một số cán bộ y tế ở TYT xã, do trong thời gian qua thông tin về những ca tai biến sản khoa đã khiến cho người dân không mấy yên tâm khi sinh con ở TYT xã. Hơn nữa, phòng sản khoa ở hầu hết các TYT được trang bị khá sơ sài, chỉ dùng để khám phụ khoa, khám thai. Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Nhường (TYT xã An Bình), cho biết TYT xã chỉ khám phụ khoa, khám thai cho bà mẹ theo định kỳ. Nếu có ca sắp đến ngày sinh, TYT cũng chủ động chuyển tuyến chứ không giữ lại và cũng không có người chọn sinh ở TYT xã. Đối với các bệnh khác, hầu hết các TYT đều có giường lưu BN nhưng ít có ai đến điều trị. Với những trường hợp cấp cứu, khi đã được sơ cứu ổn định thì TYT cũng làm thủ tục chuyển BN lên tuyến trên để tiếp tục điều trị. “Vì TYT xã nằm gần với bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, tâm lý người dân vẫn muốn lên tuyến trên với suy nghĩ để được KCB tốt hơn. Mặc dù khám tại TYT cũng có nhiều thuận lợi như gần nhà, không phải chờ đợi lâu, nhân viên y tế phục vụ tận tình, thuốc men đầy đủ nhưng TYT ở xã chưa thu hút người dân đến KCB”, một người dân cho biết. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều TYT ở trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Tập trung cho y tế dự phòng
Bác sĩ Nguyễn Thành Nguyên, Giám đốc Trung tâm Y tế Phú Giáo cũng cho biết, hầu hết các phòng khám đa khoa, TYT ở tuyến thị trấn, xã được trang bị khá đầy đủ các phương tiện để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Riêng TYT xã An Bình xuống cấp trầm trọng nhưng không được sửa chữa bởi đã có phương án xây dựng mới vào năm 2015. Việc các cơ sở y tế vắng BN chủ yếu do tâm lý người dân chưa an tâm khi đến TYT xã để khám chữa bệnh. Về cơ sở y tế tuyến dưới thiếu vắng BN, theo giải thích của cán bộ y tế, nhiệm vụ chính của các TYT ở phường, xã hiện nay chủ yếu tập trung vào y tế dự phòng chứ không phải điều trị. Các dịch vụ y tế ở trạm xã, phường chủ yếu quản lý và cấp thuốc bệnh tâm thần, bệnh lao, khuyết tật dựa vào cộng đồng; khám phụ khoa, khám thai, đặt vòng tránh thai, phát bao cao su; tiêm chủng mở rộng; cấp thuốc sốt rét, thuốc BHYT; xét nghiệm truy tìm ung thư cổ tử cung; xét nghiệm sốt rét…
Một nguyên nhân khác mà ở cơ sở y tế tuyến xã, phường vắng BN là do bác sĩ thường được cử đi học chuyên khoa, học các lớp quản lý, chuyên môn nên cho dù 100% TYT có bác sĩ nhưng thực tế người dân đến khám bệnh lại ít khi được gặp bác sĩ trực tiếp để thăm khám, tư vấn.
Thực tế trong thời gian qua, TYT ở Bình Dương đã được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất và trang thiết bị, đội ngũ y - bác sĩ được kiện toàn, chất lượng KCB được nâng cao. Tính đến nay, toàn tỉnh có 16 phòng khám đa khoa khu vực; 91 TYT, trong đó có 76/91 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế. 100% TYT có bác sĩ, nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi phục vụ.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều TYT chưa phát huy hiệu quả. Do vậy, ngành y tế cần có sự quan tâm đầu tư hơn nữa để các cơ sở y tế ở địa phương được phát triển đồng bộ, khám và điều trị bệnh cho người dân để góp phần giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên.
Tại buổi giám sát, bà Mai Thị Dung, đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của ngành y tế và các địa phương trong việc phát triển và nâng cao chất lượng KCB cho nhân dân. Đồng thời bà cũng đề nghị ngành y tế tích cực tham mưu cho UBND tỉnh những giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực; tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; bảo đảm cân đối nguồn kinh phí đáp ứng yêu cầu; khẩn trương trình Hội đồng Nhân dân tỉnh điều chỉnh biểu giá viện phí cho phù hợp thực tế; đặc biệt ngành y tế quan tâm đến phát triển y tế tại một số huyện trong đó có 2 huyện mới tách, đó là Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên…
Trong lần về thăm và làm việc tại Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN đã khen ngợi mô hình sáp nhập bệnh viện, trung tâm y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình thành trung tâm y tế cấp huyện, thị, thành phố ở Bình Dương là cách làm hay, tiết kiệm về nhân lực, trụ sở làm việc. Tuy nhiên, khi đến thăm các phòng khám đa khoa khu vực thì Bộ trưởng cho rằng những nơi này còn lãng phí bởi rất ít BN đến khám bệnh, điều trị. Giải thích cho điều này, cán bộ y tế tại Phòng khám Đa khoa khu vực Thuận Giao cho biết, do gần Bệnh viện Đa khoa thuộc Trung tâm Y tế TX.Thuận An, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bệnh viện ngoài công lập.
QUỲNH NHƯ