Cước vận tải vẫn “ngược” giá xăng dầu

Cập nhật: 07-09-2015 | 08:07:42

Ngày 3-9, liên Bộ Tài chính - Công thương tiếp tục có quyết định điều chỉnh giảm giá xăng dầu các loại từ 111 đồng/lít đến 1.198 đồng/lít. Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến thời điểm này hầu hết doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn chưa có kế hoạch giảm giá cước.

Vận tải hàng hóa bằng container tại ICD Tân cảng Sóng Thần (TX.Thuận An) Ảnh: D.CHÍ

Song song với quyết định giảm giá xăng dầu lần này, các Bộ Tài chính, Công thương còn liên tục ban hành văn bản hối thúc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo ngành tài chính kiểm tra, yêu cầu DN vận tải đăng ký lại giá mới sát với thị trường.

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia kinh tế tại TP.Hồ Chí Minh cho biết, do giá cước vận tải chưa nằm trong danh mục kiểm soát giá, bình ổn giá của Chính phủ nên một số quy định về kiểm soát, xử phạt chưa sát với diễn biến thực tế của thị trường. Cước vận tải không chỉ là chi phí cho việc đi lại mà còn bao hàm cả ý nghĩa của giao dịch và vận chuyển hàng hóa. Chi phí này chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi phí sản xuất nên giữ vai trò quyết định giá thành sản phẩm phụ thuộc. Vì lẽ đó, các cơ quan chức năng cần kiến nghị Chính phủ đưa giá cước vận tải vào trong danh mục kiểm soát, bình ổn giá.

Ông Huỳnh Văn Trọng, Phó Giám đốc Bến xe khách Bình Dương cho biết, đến thời điểm này chưa có DN nào thông báo giảm giá cước vận tải, dù bến xe thường xuyên phát thông báo nhắc nhở DN.

Theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Logistics tỉnh Bình Dương, chi phí xăng dầu chiếm đến 40% trên tổng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hóa và được các nhà quản trị liệt vào nhóm “chi phí đẩy”. Xăng dầu tăng hay giảm giá đều có tác động trực tiếp vào chuỗi kết quả logistics nói chung và vận tải nói riêng. Đợt giảm giá xăng dầu vào ngày 19-8 vừa qua, các thành viên trong hiệp hội đã liên tục điều chỉnh giảm giá cước từ 5 - 7%, chứ không phải đợi khách hàng yêu cầu. Lần này cũng vậy, sau 1 tháng kể từ ngày liên Bộ Tài chính - Công thương điều chỉnh giảm giá xăng dầu, các thành viên sẽ giảm giá cước ít nhất 5%, vì chuỗi logistics của Việt Nam đã nằm trong chuỗi logistics toàn cầu nên chịu sự cạnh tranh, kiểm soát khá chặt, hiệp hội không thể làm khác được.

Trong lần giảm giá xăng dầu trước (ngày 19-8), trên địa bàn tỉnh Bình Dương chỉ có Hợp tác xã vận tải Bến Cát đưa ra mức giảm cụ thể là 8% đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng tuyến cố định, Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Taxi Vinasun) thì còn phải chờ cân đối để sớm có kết quả giảm giá cước. Đến lần giảm giá mới đây (3-9), ngày 4-9, lãnh đạo Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam cho biết, sẽ giảm giá cước taxi trung bình 500 đồng/km trên toàn hệ thống.

Chia sẻ về những thông tin mà đại diện các DN vận tải nêu ra để trì hoãn việc giảm giá cước như: tiền lương, chi phí cầu đường, phí đăng kiểm, phí đường bộ… đều tăng nên rất khó giảm giá cước, ông Phạm Văn Xô cho rằng, các yếu tố trên đã được DN tính toán và đưa vào giá thành trước đó nên không thuyết phục được khách hàng cũng như cơ quan chức năng. Bởi vì muốn tăng đối với các yếu tố trên đều phải có lộ trình, chứ không phải muốn tăng là tăng.

 

 DUY CHÍ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=573
Quay lên trên