Dạy chữ, dạy người

Cập nhật: 16-11-2019 | 09:07:04

Phát biểu tại lễ khai giảng trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) vào đầu năm học mới vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Dạy chữ đã quan trọng rồi, dạy người, dạy đức, dạy lối sống văn hóa càng quan trọng hơn để các em học sinh phát triển toàn diện, phát huy năng lực sáng tạo trong thời kỳ hội nhập...”. Nhắc lại lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ để thấy bên cạnh dạy chữ, việc dạy người là vô cùng quan trọng nhằm đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tốt tiềm năng, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước.

Vấn đề dạy chữ, dạy người đã được các nhà tư tưởng đề cập từ thời cổ đại. Khổng Tử, người sáng lập ra Nho giáo đã chủ trương “Tiên học lễ, hậu học văn”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất coi trọng việc kết hợp giữa dạy chữ và dạy người. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải là người có tài, có đức. Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho Nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Theo tư tưởng của Người, nền giáo dục mới phải thực hiện phương pháp dạy và học mới để đạt được mục tiêu học để làm việc, làm người, để phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

Thực hiện tư tưởng của Người và mục tiêu đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã chỉ rõ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) là để đạt được mục tiêu đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất năng lực của mỗi cá nhân, yêu gia đình, yêu Tổ quốc, hết lòng phục vụ nhân dân và đất nước. Nghị quyết cũng nêu rõ, để đạt được điều đó cần phải có sự tham gia phối hợp của nhiều ngành. Riêng ngành GD-ĐT, bên cạnh việc đổi mới về thi cử, chương trình đào tạo, cơ chế quản lý, cần đổi mới nhận thức về vai trò của việc dạy chữ và dạy người.

Để đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã đề ra, kể từ năm học 2020-2021, ngành GD-ĐT sẽ bắt đầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (GDPT) theo đúng lộ trình đã đề ra, bắt đầu từ lớp 1. Theo lộ trình này, đến năm 2024- 2025, ngành GD-ĐT sẽ hoàn thành việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT toàn bộ các lớp ở các cấp học. Chương trình GDPT mới hướng đến việc hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; những năng lực chung được hình thành và phát triển thông qua các môn học và hoạt động giáo dục.

Tin rằng, với chương trình GDPT mới, học sinh không chỉ được dạy chữ mà còn được dạy cách làm người. Từ đó hình thành một lớp người mới nhân hậu, nhân văn, yêu nước, đủ sức kế thừa để phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

 LÊ QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2454
Quay lên trên