Bước vào những tháng cuối năm, câu chuyện về hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán và giá cả hàng hóa lại trở thành một đề tài thu hút sự quan tâm của dư luận. Thị trường cuối năm vốn sôi động, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu vui xuân, đón tết của người dân. Tuy vậy, trong sự sôi động của thị trường cuối năm, một vấn đề được đặt ra là làm sao để bảo đảm bình ổn thị trường về nguồn cung hàng hóa; về chất lượng, cũng như sự ổn định về giá cả… vẫn là công việc quen thuộc đối với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Cũng như mọi năm, để bảo đảm nguồn cung và cầu hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán 2020, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động có phương án cụ thể, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong, sau tết...
Theo thông tin ghi nhận được, tính đến thời điểm này, trên cơ sở các chính sách về ổn định thị trường dịp cuối năm, để chủ động nguồn hàng và giá cả hàng hóa, các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn cũng đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa; đàm phán với các nhà sản xuất để đưa ra được giá cả tốt nhất cho người tiêu dùng. Lượng hàng hóa thiết yếu của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường tết sắp tới cũng đã được tính toán, bảo đảm để tránh tình trạng khan hiếm hàng hóa, dẫn đến những câu chuyện “cung ép cầu”, khi nhu cầu tăng cao.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế rằng, dù đã có các chính sách bình ổn thị trường vào dịp cuối năm nhưng trên thực tế thị trường dịp tết những năm qua cho thấy, vẫn có một số mặt hàng thiết yếu tăng giá không bình thường do tình trạng “găm hàng”, hoặc do tình trạng “té nước theo mưa”. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các loại hàng gian, hàng giả, thực phẩm mất an toàn trà trộn trong bối cảnh nhộn nhịp của thị trường. Do đó, bên cạnh những chính sách vĩ mô về bình ổn thị trường dịp cuối năm, vẫn cần tăng cường công tác thanh tra, quản lý thị trường. Các ngành chức năng cần có kế hoạch để bảo đảm công tác quản lý thị trường dịp cuối năm, ổn định thị trường, góp phần bảo đảm phục vụ cho người dân đón Tết Nguyên đán 2020 tiết kiệm, an toàn. Vậy nên, có thể nói rằng, cuối năm trách nhiệm của những người làm công tác quản lý thị trường cần phải được thể hiện hơn lúc nào hết.
ĐÀM THANH