Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết

Cập nhật: 20-10-2015 | 09:13:46

Bình Dương là một trong những tỉnh, thành phía Nam có ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết (SXH) cao, nên được Bộ Y tế chọn để triển khai chiến dịch (CD) mẫu diệt lăng quăng phòng, chống SXH cho các tỉnh, thành khác tham quan học hỏi, rút kinh nghiệm…

 SXH - vấn đề y tế toàn cầu

SXH Dengue hiện đang là vấn đề y tế công cộng lớn trên toàn cầu và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là một trong những hiểm họa do véc-tơ truyền bệnh quan trọng nhất. Bệnh hiện đang lưu hành tại 128 quốc gia trên thế giới, với khoảng 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ. Theo thông báo của WHO, năm 2015, SXH tiếp tục gia tăng mạnh ở rất nhiều quốc gia, đặc biệt là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế (thứ 2 từ trái sang), kiểm tra lăng quăng trong thùng chứa nước tại một hộ dân trên địa bàn phường An Phú, TX.Thuận An. Ảnh: H.THUẬN

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết tại Việt Nam, bệnh SXH lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và miền Trung. Dịch thường phát triển vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm. Trong những năm qua, với sự tham mưu tích cực của ngành y tế, sự quan tâm chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, công tác phòng chống SXH đã đạt hiệu quả cao. Số mắc và tử vong do bệnh SXH giảm liên tục qua các năm. Năm 2014, số mắc bệnh, chết do SXH thấp nhất trong vòng hơn 10 năm qua. Tuy vậy, thành quả phòng chống SXH vẫn chưa bền vững, SXH vẫn có nguy cơ bùng phát làm ảnh hưởng đến an ninh y tế và sức khỏe của người dân nếu không quyết tâm ngăn chặn.

Phát biểu tại buổi triển khai CD mẫu diệt lăng quăng phòng, chống SXH tại Bình Dương, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh 4 giải pháp diệt lăng quăng phòng, chống SXH:

- Truyền thông phải đi trước một bước, làm cho người dân hiểu “Không có lăng quăng, không có SXH”; thường xuyên đưa các tin, bài khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh tới từng người dân để nâng cao ý thức của người dân, hưởng ứng và thực hiện tốt khuyến cáo của Bộ Y tế trong phòng chống SXH.

- Về phía người dân, không ai bảo vệ mình bằng chính mình; huy động cộng đồng cùng tham gia diệt lăng quăng phòng chống SXH, trong đó lực lượng đông đảo cần tuyên truyền là học sinh. Trước đây có phong trào vận động học sinh nuôi cá 7 màu, thả cá lia thia để diệt lăng quăng và hiệu quả rất rõ.

- Chính quyền lo cho người dân, trong đó có việc tổ chức huy động, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng dịch bệnh xảy ra.

- Vấn đề cốt lõi của chiến dịch là ngành y tế phải tham mưu cho các cấp chính quyền đẩy mạnh việc phòng, chống SXH cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.

Diệt lăng quăng phòng SXH

Bệnh SXH là bệnh do muỗi truyền, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc xin ngừa bệnh SXH hiện đang được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng. Năm 2015, với tính chất chu kỳ dịch và hiện đang trong mùa mưa là thời điểm bệnh SXH gia tăng, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Việc phòng bệnh SXH hiện nay chủ yếu vẫn là giải quyết véc-tơ truyền bệnh như diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ có tác dụng diệt đàn muỗi trưởng thành trong thời gian ngắn. Quan trọng và hiệu quả lâu dài là phải thường xuyên diệt lăng quăng và loại bỏ điều kiện để muỗi truyền bệnh SXH không sinh sản, phát triển được. Muỗi truyền bệnh SXH thường sống quanh quẩn trong nhà, đẻ trứng ở những dụng cụ chứa nước như bể nước, hồ nước, chum vại, lu khạp, bình bông… Đặc biệt, các vật phế thải xung quanh nhà có khả năng chứa nước mưa như vỏ đồ hộp, chai lọ vỡ, gáo dừa, lốp xe, chum vại, hốc cây… là những nơi có điều kiện lý tưởng để muỗi đẻ trứng, hình thành lăng quăng, phát triển thành muỗi. Những dụng cụ, vật phế thải này sau khi được làm sạch nếu không đổ hết nước, lật úp hoặc tiêu hủy thì khoảng 1 tuần đến 10 ngày sau tại những nơi đó có thể nở một đàn muỗi mới. Vì vậy, công tác diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đẻ trứng cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, cần có sự tham gia của tất cả mọi nhà và cả cộng đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trong thời gian qua, tại nhiều địa phương công tác này chưa được quan tâm đẩy mạnh, nhiều người dân còn lơ là, chủ quan, nhiều cấp chính quyền còn chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt.

Tại Bình Dương, bệnh SXH lưu hành quanh năm và tăng cao trong mùa mưa. Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế và các địa phương chủ động triển khai sớm các biện pháp phòng chống SXH; kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người; ban hành kế hoạch thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống SXH và tay chân miệng. Ngành y tế đã tích cực trong thực hiện các biện pháp kỹ thuật như giám sát, xử lý các ổ dịch và điều trị bệnh nhân; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trong tỉnh triển khai các hoạt động phòng chống SXH. Công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện liên tục; công tác huy động cộng đồng tổng vệ sinh môi trường diệt lăng quăng được triển khai rầm rộ tại tất cả 91/91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, với 2 đợt (8 ngày) trong tháng 6 và tháng 8 vừa qua và hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện hàng tuần tại các địa bàn có nguy cơ SXH cao.

Ông Trần Thanh Liêm, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Tại sao SXH trên địa bàn tỉnh vẫn gia tăng? Một trong những lý do chúng ta dễ đổ lỗi nhất là do mùa mưa, nước ứ đọng nhiều làm muỗi sinh sản nhanh. Nhưng theo tôi, không chỉ bởi hiện nay đang là mùa mưa, mà còn bởi sự thiếu quan tâm của mọi người trong cộng đồng.

Hầu như ai cũng biết bệnh SXH rất nguy hiểm vì chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Ai cũng biết bệnh SXH lây lan là do muỗi vằn. Biện pháp phòng bệnh cơ bản, đơn giản và hiệu quản nhất là diệt lăng quăng hàng tuần để muỗi không có cơ hội phát triển. Thế nhưng, hành động diệt lăng quăng, triệt nơi sinh sản của muỗi và diệt muỗi vằn thì mọi người lại khá hời hợt, ít quan tâm. Sự thiếu quan tâm này không chỉ ở những người dân bình thường, bận rộn với việc mưu sinh mà còn ở chính những người có trách nhiệm với cộng đồng, đó là các ban ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp vẫn chưa thực sự chú tâm tuyên truyền, huy động cộng đồng diệt lăng quăng phòng chống SXH.

Chiến dịch mẫu diệt lăng quăng do Bộ Y tế tổ chức tại Bình Dương là cơ hội để người dân và các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp ở Bình Dương được nâng thêm nhận thức, thấy được tầm quan trọng của diệt lăng quăng - là biện pháp căn bản, lâu dài và bền vững trong phòng chống dịch bệnh SXH.

Trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ hơn các hoạt động phòng chống SXH trên địa bàn tỉnh với quyết tâm đẩy lùi bệnh SXH, khống chế không để xảy ra thành dịch bệnh lớn. Trước mắt, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện các hoạt động theo tinh thần công văn số 3090/UBND-VX ngày 9-9-2015 của UBND tỉnh về việc tăng cường phòng chống SXH, trong đó giao nhiệm vụ cho lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hoạt động xử lý dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/ lần tại các khu vực còn lại. Song song đó, UBND tỉnh cũng sẽ chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo triển khai các hoạt động phòng chống SXH trong trường học các cấp. Đặc biệt tổ chức thực hiện diệt lăng quăng hàng tuần trong trường học và tại cộng đồng ở những địa bàn có nguy cơ SXH cao…

 

H.THUẬN-Q.NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên