Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp

Cập nhật: 25-11-2015 | 08:11:59

Việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc theo Nghị định 60/2013/NĐ- CP (Nghị định 60) thời gian qua đã mang lại lợi ích cho doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ). Nhờ được phát huy quyền dân chủ nên NLĐ đã yên tâm lao động sản xuất, giúp DN phát triển không ngừng.

Đại diện Công ty Sản xuất -Xuất nhập khẩu Bình Dương 3-2 báo cáo kết quả thực hiện Nghị định 60 tại đơn vị

Doanh nghiệp tích cực thực hiện

Là DN chuyên sản xuất ngành hàng may mặc với quy mô hơn 3.000 lao động, Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương (TX.Thuận An) là một trong những DN được đánh giá có mức tăng trưởng, sự ổn định lao động cao. Đạt kết quả này là nhờ công ty không ngừng đẩy mạnh thực hiện các chính sách chăm lo đời sống NLĐ, từ chính sách tiền lương cho đến các hoạt động hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần. Ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc nhân sự công ty cho biết, ngoài hội nghị NLĐ hàng năm, công ty tổ chức hội nghị đối thoại 3 tháng/lần; ban giám đốc, công đoàn và NLĐ công ty cùng tham gia. Những câu hỏi đối thoại chủ yếu giải đáp chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ, tiền lương, tiền thưởng của NLĐ. Những thắc mắc của NLĐ đều được xem xét, phân tích, giải quyết kịp thời.

Có thể nói, từ khi Nghị định 60 của Chính phủ được ban hành, Bình Dương đã quán triệt nghị định thật sâu rộng đến các DN, giúp các DN nắm bắt một cách đầy đủ nội dung, quy trình triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở kịp thời và hiệu quả. Thông qua đó, NLĐ đã phát huy được quyền dân chủ trực tiếp của mình, tham gia xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; đồng thời đề ra các biện pháp tổ chức thực hiện cũng như các giải pháp nhằm bảo đảm điều kiện làm việc được tốt hơn, ổn định việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống NLĐ và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN. Ông Trịnh Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hài Mỹ (TX.Thuận An) nói: “Mấu chốt của thực hiện Nghị định 60 là minh bạch trong mọi chế độ, chính sách. Ban giám đốc công ty và Ban chấp hành Công đoàn đã xây dựng cơ chế trao đổi, đối thoại và ký thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ; niêm yết công khai các chế độ, chính sách mà lao động được hưởng; trách nhiệm của người sử dụng lao động và NLĐ tại DN; các hình thức đối thoại giữa DN và NLĐ theo các bước… đều được cụ thể bằng các bảng niêm yết nên mọi lao động đều yên tâm gắn bó với DN”.

Khó khăn cần tháo gỡ

Đánh giá việc thực hiện quy chế dân chủ tại DN, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội cho biết, toàn tỉnh hiện có 538 DN có công đoàn cơ sở trực thuộc tổ chức hội nghị NLĐ và hơn 1.200 cuộc đối thoại được các DN tổ chức. Nhìn chung, chất lượng tổ chức thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và tổ chức đối thoại tại nơi làm việc được nâng lên rõ nét, nhất là đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Việc thực hiện quy chế dân chủ đã xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa ổn định, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của DN. Để làm được điều này, cùng với những chính sách chăm lo vật chất tinh thần cụ thể, các DN cần phát huy tính dân chủ tại DN, tạo điều kiện cho NLĐ có cơ hội thể hiện mình, trở thành chủ thể quan trọng trong xây dựng và phát triển của DN nói chung.

Mặc dù vậy, quá trình triển khai thực hiện quy chế dân chủ trong các DN vẫn còn gặp những trở ngại. Vì vậy, để việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình DN cổ phần và trách nhiệm hữu hạn ngày càng đi vào chiều sâu, đòi hòi phải có sự linh hoạt và phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía, cũng như sự nhận thức và tham gia tích cực từ phía các DN. Ông Đặng Minh Dũng, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Shyang Hung Cheng cho rằng, các yêu cầu liên quan nội dung tổ chức hội nghị NLĐ còn chưa thực tế, chưa đáp ứng nguyện vọng của NLĐ; báo cáo mất quá nhiều thời gian, trong khi NLĐ chỉ quan tâm giải quyết vấn đề về công ăn, việc làm, chế độ phúc lợi… Do đó, rất mong các ngành chức năng xem xét, hướng dẫn và giảm tải bớt các nội dung không cần thiết để tiết kiệm thời gian cho DN khi tổ chức đối thoại, hội nghị cũng như đi vào những vấn đề NLĐ quan tâm.

“Nhiều DN chưa hiểu hết ý nghĩa của việc thực hiện hội nghị NLĐ, cũng như đối thoại nơi làm việc về thời gian tổ chức, hình thức tổ chức. DN có đông NLĐ có thể tổ chức họp lấy ý kiến ở từng đội, nhóm, phân xưởng, sau đó mới cử đại diện lên để tham dự hội nghị NLĐ do công ty tổ chức theo Nghị định 60. Về phía DN, họ nghĩ rằng hội nghị chỉ giải quyết quyền lợi cho NLĐ nên ngại tổ chức. Theo quy định của Nghị định 60, hội nghị NLĐ sẽ tổ chức 1 lần/năm, đối thoại NLĐ 3 tháng/lần nhưng DN có thể tùy vào điều kiện sản xuất mà tổ chức vào những thời gian ít đơn hàng. Hội nghị NLĐ không phải tổ chức riêng mà có thể lồng ghép vào hội nghị nào đó của DN”, ông Trung nói thêm.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên