Để ngành da giày tận dụng được lợi thế TPP

Cập nhật: 05-11-2013 | 00:00:00

   Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty PROWIN

 Thị trường hồi phục

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội da giày Bình Dương: “Năm 2013, tình hình SXXK của ngành tăng hơn năm 2012 khoảng 10%. Tính đến thời điểm hiện nay, các DN đã có đơn hàng đến hết quý IV năm 2013 (Công ty Đông Hưng có đơn hàng đến hết năm 2014). Tuy nhiên, các công ty chưa hoạt động hết công suất, công nhân có việc làm, nhưng thời gian tăng ca không nhiều. Riêng lượng đơn hàng giày thể thao, giày vải dồi dào hơn các loại giày nữ, giày thiếu nhi, dép, vì khuynh hướng hiện nay người tiêu dùng thích “ăn chắc, mặc bền” hơn là chạy theo thời trang” .

Tuy nhiên, ngành da giày XK vẫn tiếp tục phải đối diện với những khó khăn đã tồn tại từ nhiều năm nay, phần lớn DN da giày chuyên làm hàng gia công, có năng lực tài chính yếu, phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu bên ngoài. Cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của ngành da giày mới chỉ đạt 40 - 45%, chủ yếu là đế giày và chỉ khâu giày. Trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc và da nhân tạo vẫn phải nhập khẩu. Giá một số nguyên phụ liệu chính phục vụ SX vẫn tiếp tục tăng cao, giá da động vật từ 2,5 USD/sqf vào giữa năm 2012, nay đã tăng lên 2,9 - 3 USD/ sqf (tăng khoảng 30%). Các mặt hàng giả da cũng tăng từ 10 - 20% (PU, PVC). Nguyên phụ liệu chính của ngành da giày hiện đang nhập khẩu với tỷ lệ 70% trở lên như da, PU. Một số nguyên liệu phụ đã SX trong nước, song do giá nhập thấp hơn nên các DN vẫn nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các DN hiện đang phải gánh thêm nhiều chi phí do giá vật tư đầu vào tăng cao, cộng với việc điều chỉnh mức lương tối thiểu, phí công đoàn, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... khiến giá thành của các sản phẩm da giày Việt Nam cao hơn so với những sản phẩm cùng loại của các nước lân cận. Do vậy, dù đơn hàng năm 2013 tăng, trong khi giá bán ra không thể tăng, điều này đã kéo lợi nhuận của các DN xuống.

 Cách nào để tận dụng lợi thế TPP?

Giá đầu vào tăng cao không ngừng, gây cho DN da giày nhiều khó khăn trong việc duy trì, ổn định SX, cũng như trong tính toán giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, DN còn thiếu lao động kỹ thuật cao, nhất là thiếu vốn. Đa số các DN trong ngành có quy mô vừa và nhỏ, chưa có sự hỗ trợ về nguồn vốn rẻ, do họ không có tài sản có giá trị để thế chấp. Một số DN phải vay lãi cao để SXXK, từ đó dễ dẫn đến thua lỗ. Mặt khác, suốt thời gian dài, trong các DN da giày tồn tại nghịch lý đó là làm hàng XK nhưng rất thiếu thông tin về thị trường thế giới. Đa số DN XK tìm hiểu thông tin thị trường quốc tế qua các đối tác là chính. Do đó đầu ra cho các sản phẩm thường “ảm đạm”, không ổn định. Để hỗ trợ các DN giải quyết khó khăn, ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội kiến nghị: “Trước mắt ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt, giúp DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay để có cơ hội duy trì hoạt động”.

Các trường nghề trên địa bàn cần đưa vào chương trình đào tạo chuyên ngành, bài bản cho lực lượng lao động, cán bộ quản lý SX để cung cấp cho các DN da giày; Nhà nước cũng cần ổn định các chính sách về tiền lương, giá cả các nguồn năng lượng chính như xăng dầu, điện nước, để các DN yên tâm SXXK. Sở Công thương, Bộ Công thương, Tham tán thương mại cần giúp đỡ, hỗ trợ tư vấn để hiệp hội, các DN tham gia các hội chợ quốc tế nhiều hơn, nhằm giao lưu học hỏi, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường. Bởi ký được các hợp đồng quốc tế tại hội chợ sẽ giảm bớt chi phí các khâu trung gian.

Về lâu dài, cần có các chính sách đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, SX các nguồn nguyên phụ liệu cho ngành da giày, lập hàng rào kỹ thuật trước làn sóng hàng ngoại tràn vào thị trường Việt, chống hàng gian, hàng giả… tiến đến tăng năng lực cạnh tranh của các DN Việt. Làm được những vấn đề đặt ra cũng chính là để ngành da giày Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung có thể tận dụng thời cơ từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang đến về ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Bắt đầu từ 1-1-2014 (trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2016), thuế suất các mặt hàng giày dép nhập khẩu vào thị trường EU của DN Việt Nam sẽ được hạ từ 13 - 14% xuống còn 3 - 4%. Dự kiến số lượng các đơn hàng giày dép XK sẽ tăng, do các nhà nhập khẩu sản phẩm da giày chuyển các đơn đặt hàng của họ từ các thị trường khác sang Việt Nam. Nếu không được ngành chức năng hỗ trợ để vượt qua những khó khăn hiện nay, ngành giày da giày rất có thể sẽ luôn trong cảnh phụ thuộc và chuyên “dùng sức” để làm “gia công” cho các thương hiệu lớn của nước ngoài.

 BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=265
Quay lên trên